Điều gì đã xảy ra với kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới của Ukraine?

Với trên 1.700 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong kho, Ukraine từng là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới, trước khi họ quyết định từ bỏ để đổi lấy những đảm bảo an ninh vẫn chưa được thực hiện.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ chuẩn bị phá hủy tên lửa đạn đạo SS-19 trong sân căn cứ tên lửa quân sự lớn nhất của Liên Xô cũ ở Vakulenchuk, Ukraine. Ảnh: AP

Mặc dù Ukraine từng tồn tại trong một thời gian ngắn với tư cách là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới, nhưng nước này đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình cách đây 29 năm để đổi lấy những đảm bảo an ninh chưa được thực hiện và vẫn tiếp tục ám ảnh đất nước.

Cho đến ngày 5/12/1994, Ukraine vẫn chính thức là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Năm nay, Ukraine đã kỷ niệm 29 năm Bản ghi nhớ Budapest, trong đó chứng kiến việc chuyển giao vũ khí hạt nhân của Ukraine, kế thừa từ Liên Xô sau khi Liên Xô tan rã, sang Nga để đổi lấy một loạt đảm bảo an ninh, nhằm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của một đất nước Ukraine mới độc lập.

Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và sau đó xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhiều người Ukraine đã đặt câu hỏi về quyết định lịch sử được đưa ra vào năm 1994.

Vũ khí hạt nhân Liên Xô đặt ở Ukraine trước năm 1994

Do vị trí chiến lược của Ukraine trong Chiến tranh Lạnh, nước này được thừa hưởng một kho vũ khí hạt nhân đáng gờm sau khi Liên Xô tan rã, cùng với Nga, Belarus và Kazakhstan.

Kho vũ khí hạt nhân của Ukraine bao gồm gần 1.700 đầu đạn hạt nhân chiến lược, cùng với một phi đội máy bay ném bom và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể cạnh tranh với hầu hết các quốc gia có năng lực hạt nhân khác vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù Ukraine sở hữu vũ khí và chuyên môn để phát triển và bảo trì chúng nhưng Moskva vẫn giữ quyền kiểm soát các loại vũ khí nói trên.

Để so sánh, kho dự trữ đầu đạn của Mỹ năm 1994 là 10.979 đơn vị, trong khi ước tính cho thấy số lượng đầu đạn hạt nhân ở Nga là 17.275 vào năm 1991, với cả đầu đạn chiến lược và chiến thuật.

Bản ghi nhớ Budapest

Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh là một thỏa thuận quốc tế nhằm giải quyết những lo ngại của Ukraine về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ khi giải trừ vũ khí hạt nhân. Văn bản được ký kết vào ngày 5/12/1994 giữa Ukraine, Mỹ, Anh và Nga trong bối cảnh yêu cầu cấp thiết về kiểm soát vũ khí toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh, với việc Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton gọi thế giới là “nơi an toàn hơn” sau khi Bản ghi nhớ được ký kết.

Ông Donald M. Blinken, cha của đương kim Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cũng tham dự với tư cách đại sứ Mỹ tại Hungary vào thời điểm đó.

Bản ghi nhớ Budapest thể hiện việc Ukraine - quốc gia thuộc Liên Xô cũ - gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân với tư cách là một quốc gia phi vũ khí hạt nhân sau một loạt cuộc đàm phán khi Ukraine tìm kiếm sự bảo đảm và bồi thường cho việc từ bỏ kho dự trữ hạt nhân của mình.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Valery Shmarov (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Grachev khi họ đứng trước địa điểm trước đây là nơi đặt hầm chứa tên lửa tại một căn cứ quân sự gần Pervomaysk, Ukraine, vào ngày 5/1/1996. Ảnh: AP

Dưới đây là 6 điểm được nêu trong tài liệu gốc:

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc trong Hiệp ước Helsinki của CSCE [Ủy ban An ninh và Hợp tác ở châu Âu], nhằm tôn trọng độc lập và chủ quyền và biên giới hiện có của Ukraine.

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, tái khẳng định nghĩa vụ của họ trong việc kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và rằng không loại vũ khí nào của họ được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ mục đích tự vệ hoặc theo Hiến chương Liên hợp quốc.

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine, phù hợp với các nguyên tắc trong Hiệp ước Helsinki của CSCE, trong việc kiềm chế những biện pháp ép buộc kinh tế được thiết kế để phụ thuộc vào lợi ích riêng của họ trong việc Ukraine thực thi các quyền thuộc chủ quyền của mình và từ đó đảm bảo các lợi thế dưới mọi hình thức.

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, tái khẳng định cam kết của họ trong việc tìm kiếm hành động ngay lập tức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, nếu Ukraine trở thành nạn nhân của một hành động xâm lược hoặc đối tượng của mối đe dọa xâm lược trong đó có sử dụng vũ khí hạt nhân.

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, tái khẳng định, trong trường hợp Ukraine, cam kết của họ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào tham gia Hiệp ước về Không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngoại trừ trường hợp một quốc gia như vậy liên kết hoặc liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân tấn công vào chính họ, hoặc lãnh thổ phụ thuộc, lực lượng vũ trang hoặc đồng minh của họ.

- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ tham vấn trong trường hợp nảy sinh tình huống đặt ra vấn đề liên quan đến những cam kết này.

Tuy nhiên, khi chiến dịch quân sự của Nga vi phạm các điều khoản được nêu trong Bản ghi nhớ, nhiều người đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các thỏa thuận đó và liệu Ukraine có nên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình vào thập niên 1990 hay không.

 

Chú thích ảnh
Một sĩ quan Ukraine theo dõi tên lửa đẩy hạt nhân SS-24 được rút ra khỏi hầm chứa tại thị trấn Pervomaisk phía nam Ukraine năm 1998. Ảnh: Reuters 

Giải trừ vũ khí hạt nhân

Theo một ấn phẩm xuất bản vào năm 1999 được Kyiv Post dẫn lại, quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Ukraine là một quá trình tăng dần kéo dài vài năm.

Nga và Ukraine đã tham gia vào các cuộc thảo luận ít nhất từ năm 1992, nhưng không đạt được thỏa thuận nào cho đến khi Mỹ tham gia vào đầu năm 1994 và một thỏa thuận ba bên được ký kết.

Theo thỏa thuận, ít nhất 200 vũ khí hạt nhân (bao gồm ICBM SS-19 và SS-24) sẽ được chuyển từ Ukraine sang Nga trong vòng 10 tháng, số còn lại sẽ được chuyển giao trong “thời gian ngắn nhất có thể”. Tất cả các tên lửa SS-24 của Ukraine cũng sẽ bị vô hiệu hóa và loại bỏ đầu đạn trong cùng thời gian.

Đổi lại, Nga sẽ gửi 100 tấn nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân ở Ukraine trong cùng thời gian đó.

Cũng theo ấn phẩm trên, mặc dù Ukraine đã chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật còn lại cho Nga vào năm 1992 nhưng quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn đã không hoàn tất cho đến năm 1996. “Sau một thời gian trì hoãn và giữ nguyên hiện trạng, những đầu đạn chiến lược đầu tiên đã được chất lên một chuyến tàu đặc biệt vào những ngày cuối tháng 2 và chuyển ra khỏi Ukraine vào đầu tháng 3/1994. Đến tháng 11/1994, Nga đã nhận được 400 đầu đạn hạt nhân chiến lược từ Ukraine. Đến ngày 1/6/1996, tất cả vũ khí hạt nhân chiến lược đã được dỡ bỏ khỏi Ukraine”, ấn phẩm viết.

"Ukraine là quốc gia duy nhất trong lịch sử nhân loại từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới để đối lấy những đảm bảo an ninh của Mỹ, Nga và Anh. Những đảm bảo này ở đâu?", Alexey Goncharenko, nghị sĩ Ukraine, đã đặt câu hỏi sau khi Nga phát lệnh tấn công Ukraine hôm 24/2/2022.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Kyiv Post)
Bế tắc ở Ukraine giúp Nga chiếm lợi thế trong cuộc xung đột?
Bế tắc ở Ukraine giúp Nga chiếm lợi thế trong cuộc xung đột?

Cuộc xung đột ở Ukraine đã đi vào bế tắc, ngay cả các quan chức Ukraine cũng thừa nhận rằng chiến dịch phản công rất được mong đợi không thể đạt được bước đột phá, đẩy Kiev vào thế khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN