Cách người La Mã cổ đại du lịch cách đây hơn 2.000 năm

Du lịch không phải là một phát minh của thời hiện đại. Từ thời La Mã cổ đại, người dân Rome đã du lịch đến các khu nghỉ dưỡng sức khỏe ở Hy Lạp, thăm kim tự tháp Ai Cập hoặc tiệc tùng trên Vịnh Naples. Quà lưu niệm cũng xuất hiện từ thời kỳ này.

Kỳ nghỉ tận hưởng

Chú thích ảnh
Đến ngày nay Vịnh Naples vẫn là một điểm đến du lịch nổi tiếng. Ảnh: DW

Nhà quý tộc La Mã giàu có Gaius Antonius từng nằm trên sân thượng biệt thự tráng lệ của ông ở Vịnh Naples ngắm nhìn ra biển. Người nô lệ sẽ phục vụ ông rượu và các món ngon. Chỉ vài ngày trước đó, Antonius đã trốn khỏi cái nóng tháng 7 của Rome để đến nơi không thiếu thứ xa hoa và tiện nghi này.

Ông còn mời bạn bè đến nghỉ Hè cùng. Vào buổi tối, họ sẽ được thư giãn trong các khu phức hợp tắm nước nóng ở thị trấn Baiae trên bờ Vịnh Naples. Những kỳ nghỉ như vậy rất phổ biến trong giới thượng lưu La Mã.

Vịnh Naples là điểm đến nghỉ dưỡng yêu thích của người La Mã, với tầng lớp thượng lưu cư trú trong các biệt thự ven biển và trên núi. Nhà thơ Horace từng ca ngợi: “Không vịnh nào trên thế giới có thể sánh được với Baiae xinh đẹp”.

Chú thích ảnh
Người La Mã trong kỳ nghỉ dưỡng đôi khi đi dép tông chăm sóc sức khỏe làm bằng thủy tinh chứa đầy nước hoa để nâng niu đôi chân. Ảnh: DW

Khác với ngày nay, người La Mã cổ đại có dạo chơi trên bãi biển nhưng chủ yếu quan tâm đến suối nước nóng chữa bệnh trong khu phức hợp tắm nước nóng thiên nhiên. Những người có đủ tiền đã xây dựng nền móng của khu phức hợp tắm nước nóng tự nhiên của họ trực tiếp xuống biển, để họ có thể bơi trong nơi an toàn, nhiệt độ tốt, được bao quanh bởi sóng biển. Đối với nhà triết học La Mã Seneca, đây là hình ảnh thu nhỏ của sự suy đồi của người La Mã.

Baiae không chỉ là một khu nghỉ mát bên bờ biển mà còn nổi tiếng bởi các du khách thích tiệc tùng phóng túng đến nỗi nhà triết học Seneca một lần nữa có lý do để phàn nàn: "Tại sao tôi phải nhìn những người say lảo đảo dọc bờ biển và chịu đựng tiếng ồn ào từ những bữa tiệc ầm ĩ trên thuyền buồm?”.

Nhà sử học Gaius Plinius Caecilius Secundus (61-112 CN) từng thuật lại rằng có những chiếc thuyền du ngoạn trên biển, vào buổi tối, mọi người sẽ gặp gỡ để thưởng thức bữa tối thịnh soạn với hàu. Người La Mã kém giàu có hơn thường đến vùng Vịnh, Tibur (nay là Tivoli, Italy), Antium (nay là Anzio, Italy) và Baiae (giờ đã chìm dưới đáy biển).

Hành trình du lịch dài hơi

Chú thích ảnh
Kim tự tháp Khufu ở Giza, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN

Các du khách khi đó thường sẵn sàng cho hành trình dài di chuyển tương đối an toàn đến địa điểm du lịch nằm trong Đế chế La Mã rộng lớn. Hơn nữa, tiếng Latinh được nói ở khắp mọi nơi. Những con đường, thực tế được xây dựng cho quân đội La Mã, vẫn ở trong tình trạng tốt và mọi người có thể đi bộ, di chuyển bằng xe ngựa. Nếu ở trong thể trạng tốt, một người có thể đi bộ khoảng 30 km một ngày hoặc đi 80 km bằng xe ngựa và xa hơn một chút khi cưỡi ngựa.

Cũng có những nhà trọ dọc đường cung cấp thức ăn. Nhiều khách du lịch La Mã còn nghỉ qua đêm tại điền trang ở nông thôn của các gia đình địa phương. Những người chọn tuyến đường biển có thể đi bằng tàu buôn với một khoản phí nhất định.

Ai Cập là một điểm đến phổ biến, với Kim tự tháp Giza, tượng Nhân sư và Ngọn hải đăng Alexandria thu hút rất nhiều khách du lịch. Nhưng du khách cũng đi theo bước chân của thi hào Homer qua Troy hoặc đổ xô đến địa điểm diễn ra các trận chiến nổi tiếng ví dụ như Marathon nơi người Hy Lạp đánh bại quân đội Ba Tư vào năm 490 trước Công nguyên.

Mặt khác, những ngôi đền cổ của Hy Lạp khá thu hút khách du lịch La Mã. Tác giả người Hy Lạp Pausanias (110-180 sau Công nguyên) còn viết một trong những "hướng dẫn du lịch" đầu tiên về các điểm tham quan của quê hương ông. .

Bất cứ nơi nào khách du lịch đến, người dân địa phương đều nhận thấy cơ hội thu lợi nhuận. Và vì vậy, ngay cả khi đó, vẫn có đủ loại quà lưu niệm để mua, từ những kim tự tháp thu nhỏ đến những bức tượng bạc cho đến những chiếc lọ đất sét có vẽ ngọn hải đăng Alexandria.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Trường đại học cổ đại Ấn Độ nơi từng có 10.000 du học sinh
Trường đại học cổ đại Ấn Độ nơi từng có 10.000 du học sinh

Được thành lập vào năm 427 sau Công nguyên, Nalanda được coi là trường đại học nội trú đầu tiên trên thế giới. Nơi đây có đến 9 triệu cuốn sách và có tới 10.000 sinh viên từ khắp Đông và Trung Á đến theo học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN