Bước đột phá trong công cuộc chống tham nhũng ở Hồng Công (phần 1)

Theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2012 do tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Hồng Công (Trung Quốc) thuộc nhóm “rất trong sạch”, đứng thứ 14 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Tại châu Á, Hồng Công chỉ xếp sau Xinhgapo về điểm số phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng từ năm 1974 trở về trước, tệ nạn tham nhũng lan tràn ở Hồng Công đến nỗi người dân nơi đây đã phải chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống.


Tình trạng trên chỉ thực sự được cải thiện sau khi Ủy ban Phòng chống Tham nhũng Độc lập (ICAC) ra đời vào năm 1974. Bước ngoặt trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở Hồng Công cũng xuất hiện cùng với sự kiện Peter Fitzroy Godber, nhân vật quyền lực thứ ba trong lực lượng cảnh sát Hồng Công, phải vào nhà đá bóc lịch vì tội âm mưu hối lộ và nhận hối lộ.


1. Khi tham nhũng len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống


Sở dĩ Hồng Công giành chiến thắng trước nạn tham nhũng là nhờ có ICAC. Tuyệt đại đa số người dân Hồng Công biết sự thực này và nó cũng được bạn bè quốc tế thừa nhận. Kết quả thăm dò tại Hồng Công cho thấy, tỉ lệ tín nhiệm của người dân nơi đây đối với ICAC luôn được giữ ở mức khoảng 90% và thường xuyên có trên 99% số người được hỏi biểu thị sự ủng hộ đối với phần công việc mà ICAC tiến hành.


Godber (người cầm tập giấy) bị đưa ra xét xử tại Hồng Công.
Ảnh: Internet


Bởi sau khi ICAC ra đời vào năm 1974, môi trường liêm chính ở Hồng Công ngày một hoàn thiện và người dân không còn phải chịu phí tổn “đi cửa sau” nữa. Hiện nay, có thể nói xã hội Hồng Công đã trở nên trong sạch rất nhiều, nhưng nhiều người cao tuổi ở Hồng Công vẫn không thể quên ký ức một thời. Khi đó, Hồng Công vẫn nằm dưới sự thống trị của Anh và tham nhũng trở thành tệ nạn len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.


Mọi chuyện có thể bắt đầu từ giữa những năm 1950. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế tạo, Hồng Công trở thành khu vực sản xuất và xuất khẩu công nghiệp nhẹ chủ yếu của châu Á. Trong khi tài sản xã hội tăng lên nhanh chóng và ngày càng được tích lũy thêm, quan trường và lực lượng gìn giữ trật tự kỉ cương xã hội như cảnh sát, hải quan, xuất nhập cảnh…, lại thiếu cơ chế ràng buộc và trừng phạt. Tình trạng quan chức tham ô, nhận hối lộ trở nên phổ biến và ngày càng trở nên nghiêm trọng.


Nhằm duy trì sinh kế và nhanh chóng nhận được sự phục vụ đáng được hưởng, người dân không còn cách nào khác, buộc phải “đi cửa sau”. Khi đó, việc đưa tiền và quà tặng “trên mức tình cảm” cho người có trách nhiệm đã trở thành “bí mật mà ai cũng biết”. Xe cấp cứu đến nhà, nhưng trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, nhân viên cứu hộ yêu cầu phải có “tiền trà”. Vào bệnh viện, muốn có nước uống và bô đi vệ sinh, bệnh nhân phải đưa tiền bồi dưỡng cho nhân viên làm công tác dọn dẹp. Nhà cháy đùng đùng, xe cứu hỏa sầm sập lao tới, nhưng để nhân viên cứu hỏa dập lửa, gia chủ không thể quên đưa cho họ “tiền mở vòi nước”. Ngay cả việc mua nhà công ích vốn chỉ đăng ký và chờ tới lượt hay xin học cho con... cũng đều phải dùng tiền hối lộ để “bôi trơn quan hệ”.


Tình trạng tham nhũng trong các cơ quan phục vụ công cộng tương đối nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa bằng trong lực lượng cảnh sát. Khi đó, quận nào của Hồng Công cũng có chuyện cảnh sát nhận tiền bảo kê cho hoạt động mại dâm, đánh bạc, buôn bán ma túy…. Người dân đến cơ quan cảnh sát làm việc đều phải đưa “phong bao”. Việc này dường như đã trở thành luật bất thành văn mà dân chúng buộc phải “nằm lòng”. Sự tham nhũng và phủ bại của cảnh sát đã khiến trật tự trị an xã hội rơi vào hỗn loạn.


Bị tấn công bởi sự vòi vĩnh từ đủ phía, người dân Hồng Công khi đó không biết để đâu hết nỗi thống khổ. Kinh tế vừa mới được cải thiện chút ít, họ đã phải oằn lưng bởi tiền hối lộ đã trở thành một phần chi tiêu tất yếu của cuộc sống. Khi người dân nhận thức rõ rằng tham nhũng thực sự trở thành hiểm họa, đã nảy sinh tâm lý phản đối sự thống trị của chính quyền đương thời. Đó là vào giữa những năm 1960. Người dân, đặc biệt là thanh niên và các phần tử trí thức, tỏ ra rất bất mãn với sự phủ bại của nhà cầm quyền thực dân. Hoạt động chống đối dưới các hình thức khác nhau xảy ra như cơm bữa, gây áp lực lớn đối với chính quyền Hồng Công.


Bước sang thập niên 1970, Hồng Công trỗi dậy trở thành một trong bốn “con rồng nhỏ châu Á”. Là phong vũ biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Hồng Công cũng thăng hoa. Vào năm 1972, phong trào chơi cổ phiếu đã nở rộ tại Hồng Công. Khắp nơi, người dân râm ran bàn tán về các công ty đã niêm yết hay các công ty chuẩn bị tiến hành IPO (phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng). Chỉ số Hang Seng sau khi chạm đáy ở mức gần 324 điểm vào ngày 27/1/1972 đã “dựng ngược”, tăng lên mức hơn 843 điểm vào ngày 29/12/1972. Điều đó có nghĩa trong vòng chưa đầy một năm, chỉ số Hang Seng đã tăng 160%.


Tuy nhiên, sự phấn khích của thị trường chưa dừng lại. Sang năm 1973, chỉ số Hang Seng tiếp tục tăng điên cuồng, tới ngày 9/3 đã đạt mức trên 1.774 điểm. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Khi “cơn bạo bệnh” bắt đầu, chỉ số Hang Seng thụt giảm một lèo xuống mức 500 điểm. Đây là thảm họa đầu tiên sau khi chứng khoán được phổ cập hóa và cũng là thảm họa lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Hồng Công. Quan trọng hơn, nó góp phần làm gia tăng nỗi thất vọng đối với năng lực quản trị của chính quyền.


Cũng vì thế, áp lực đối với chính quyền càng nhân lên. Người dân không ngừng yêu cầu chính quyền có hành động quyết đoán tấn công tham nhũng. Nhưng phải đợi tới khi Peter Fitzroy Godber, nhân vật quyền lực thứ ba trong lực lượng cảnh sát Hồng Công, bị cáo buộc tham nhũng, nỗi oán hận của người dân mới lên tới đỉnh điểm. Chính quyền đương thời biết rõ nếu không triển khai hành động chống tham nhũng một cách tương đối triệt để, sự thống trị của họ sẽ đối mặt với thách thức vô cùng lớn.

2. “Đại gia tham nhũng” lộ “gót chân Asin”


Godber là một trong số rất nhiều cảnh sát Hồng Công đến từ nước Anh, khởi đầu sự nghiệp tại đây từ năm 1952 và kinh qua nhiều chức vụ khác nhau trong lực lượng cảnh sát bảo vệ sân bay Kai Tak cũng như Sở Cảnh sát quận Wanchai. Khi vụ án Godber bước vào giai đoạn then chốt với việc Godber bị phát hiện có một lượng lớn tiền không rõ nguồn gốc cất giữ trong tài khoản ngân hàng vào giữa năm 1973, nhân vật này đã làm “Tổng cảnh ty”, chức vụ đứng hàng thứ ba trong số các quan chức cảnh sát Hồng Công. Tuy nhiên, Godber sớm bị đưa vào diện tình nghi của Tổ Kiểm tra Thông tin Tham nhũng - cơ chế điều tra nội bộ của cảnh sát Hồng Công - từ năm 1971 bởi thu nhập thực tế của Godber cao hơn nhiều so với lương cảnh sát nhận được.

Godber khi còn tại chức.


Nhân viên điều tra phát hiện Godber có một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 12.000 CAD (đôla Canađa). Tuy không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh rằng 12.000 CAD là tài sản bất minh, do hành vi nhận hối lộ mang lại, nhưng việc Godber sử dụng thân phận của một quan chức ngoại giao hư cấu và cái tên giả “P.F. Gedber” để mở tài khoản tại một ngân hàng của Canađa, buộc nhân viên điều tra phải làm rõ lý do đằng sau. Chuyên án “Havana” được thành lập, tuy nhiên, công tác thu thập bằng chứng không tiến triển. Trong thời gian này, Godber xin được nghỉ hưu sớm.


Vào tháng 3/1973, nghĩa là 3 tháng trước khi Godber nghỉ hưu theo nguyện vọng, Cục trưởng Cảnh sát Hồng Công nhận được thông tin báo rằng Godber liên tục chuyển tiền ra nước ngoài. Tổ Kiểm tra Thông tin Tham nhũng được lệnh triển khai điều tra quy mô lớn, tiến hành liên lạc với 480 ngân hàng hoạt động tại Hồng Công để tìm kiếm manh mối về tình hình tài chính của Godber. Ban đầu, họ phát hiện Godber có 330.000 HKD (đôla Hồng Công) gửi trong các tài khoản ở Hồng Công cùng với 20.000 CAD vừa được chuyển tới tài khoản của Godber mở tại ngân hàng Canađa.


Một tháng trước khi Godber về hưu, Tổ Kiểm tra Thông tin Tham nhũng dốc toàn lực để phá án. Nhân viên điều tra phát hiện Godber còn có một lượng tiền lớn, bao gồm cả HKD lẫn ngoại tệ, trị giá 624.000 HKD, gửi trong các tài khoản được mở ở Ôxtrâylia, Xinhgapo và Canađa. Số tiền này tương đương với tổng số lương mà Godber nhận được từ khi bắt đầu vào ngành cảnh sát cho tới khi sắp sửa về hưu. Bề ngoài, chứng cứ đã thu thập được, nhưng vấn đề là họ vẫn chưa thể chứng minh được rằng Godber có được số tiền đó là do tham nhũng.


Áp lực phá án gia tăng khi ngày Godber về hưu đã tới gần. Xuất phát từ nhận định rằng sự việc đã phát triển tới chỗ không thể kéo dài hơn nữa, cần phải ra đòn phủ đầu, Cục trưởng Cảnh sát Hồng Công đã xin phép ra lệnh đình chỉ chức vụ của Godber để phục vụ điều tra. Được Cục Tư pháp tư vấn, Tổ Kiểm tra Thông tin Tham nhũng lần đầu tiên áp dụng Điều 10 của “Điều lệ Phòng chống Hối lộ”, yêu cầu Godber phải giải thích rõ nguồn gốc tài sản của mình trong vòng một tuần.


Ngay sau khi công bố quyết định đình chỉ chức vụ để điều tra đối với Godber, Tổ Kiểm tra Thông tin Tham nhũng đã tiến hành lục soát nhà ở và xe hơi của Godber. Họ phát hiện thêm ba cuốn sổ ghi chép nhận “tiền bẩn” cùng hàng loạt giấy tờ liên quan và hai chiếc hộp đựng tổng cộng 10 thỏi bạc. Theo tính toán sơ bộ, số tài sản mà Godber sở hữu khi đó lên tới 4,3 triệu HKD, gấp 6 lần tổng số lương mà nhân vật này nhận được kể từ khi vào ngành cảnh sát tới khi bị đình chỉ chức vụ. Nếu tính theo thời giá lúc bấy giờ, Godber quả thực đã là một “đại gia”.



Nam Khánh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN