Boris Nemtsov, 55 tuổi, bị bắn chết tại trung tâm thủ đô Moskva đêm 27/2, là nhân vật nổi trội trên chính trường Nga, nhà cải cách theo đường lối tự do, từng nổi tiếng dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin và là người chỉ trích gay gắt chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Ông từng là nhà vật lý hạt nhân, nhà sinh thái học, và có 4 con.
Cựu Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov (trái) tại lễ tưởng niệm một nhà báo Nga ở Moskva ngày 7/10/2009. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Rời Hạ viện Nga năm 2004, ông Nemtsov lập ra đội ngũ các phong trào chính trị đối lập, và từ năm 2012 là đồng chủ tịch Đảng Cộng hòa Nga - Đảng Tự do Nhân dân (RPR-PARNAC)
Nemtsov là người công khai chỉ trích gay gắt Tổng thống Putin; ông cáo buộc ông Putin về vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, rằng việc này khiến cho kinh tế Nga xấu đi; ông vạch trần hành động tham nhũng liên quan tới các hoạt động chuẩn bị cho Olympics mùa đông 2014 ở Sochi. Nhưng cũng chính vì công khai đối lập với Tổng thống Putin nên ông Nemtsov đã mất dần sự ủng hộ của người dân Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/2 đã cam kết sẽ làm mọi điều có thể để đưa những kẻ tiến hành vụ sát hại "hèn hạ" thủ lĩnh phe đối lập Boris Nemtsov - người bị bắn từ một xe ô tô gần Điện Kremlin - ra trước công lý. Trong bức điện gửi mẹ ông Nemtsov đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, ông Putin nêu rõ: "Mọi biện pháp sẽ được tiến hành để buộc những kẻ tổ chức và thủ phạm của vụ giết người hèn hạ này phải hứng chịu hình phạt thích đáng dành cho chúng". |
Ông Nemtsov là một trong các nhà lãnh đạo phong trào tự do Solidarnost (Đoàn kết), trong đó có các thủ lĩnh đối lập Nga như Alexei Navalny hay Garry Kasparov. Ông đóng vai trò nổi trội trong các cuộc tuần hành do phe đối lập tổ chức sau cuộc bầu cử hạ viện năm 2011 và bầu cử tổng thống năm 2012. Cuối năm 2011, do tham gia vào các cuộc biểu tình này, ông Nemtsov bị bắt và bị tạm giữ hành chính 15 ngày.
Là một trong các nhà lãnh đạo phong trào phản đối ở Nga song ông Nemtsov không phải lúc nào cũng cùng quan điểm với các thành viên phe đối lập vốn chia rẽ trong những năm gần đây.
Người kế nhiệm tiềm tàng
Ông Nemtsov lần đầu tiên nổi lên trên chính trường năm 1989. Một năm sau, ông được bầu làm Hạ nghị sĩ Cộng hòa XHCN Liên bang Xôviết Nga (RSFSR), và năm 1993 được bầu vào Hội đồng Liên bang (Thượng viện). Trong cuộc bạo động tháng 8/1991, ông Nemtsov ủng hộ Tổng thống Boris Yeltsin, và sau đó trở thành Tỉnh trưởng tỉnh Nizhnt Novgorod.
Là tỉnh trưởng trẻ, năng động, thạo tiếng Anh, hiểu biết công nghệ mới, ông Nemtsov đã đưa các doanh nghiệp của tỉnh này (rất nhiều trong số đó liên quan tới công nghiệp quốc phòng) trở thành điển hình cho các tỉnh khác của Nga cũng như hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Ông Nemtsov nhanh chóng trở thành một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Nga; thậm chí còn được xem là người kế nhiệm Tổng thống Yeltsin.
Năm 1997, Tổng thống Yeltsin bổ nhiệm ông là Phó Thủ tướng thứ nhất, chịu trách nhiệm tiến hành cải cách kinh tế. Song đây cũng là sự khởi đầu và kết thúc sự nghiệp chính quyền của ông. Tham vọng trở thành tổng thống của ông Nemtsov chấm dứt tháng vào tháng 8/1998, khi khủng hoảng kinh tế tại Nga nổ ra, khiến ông bị cách chức.
Từ chính quyền chuyển sang đối lập
Năm 1999, ông Nemtsov và những người cùng chí hướng cải cách tự do - Anatoly Chubais và Yegor Gaidar, thành lập Liên minh các lực lượng cánh hữu (SPS). Những bước đi đầu tiên của SPS trên chính trường khá lạc quan: cuộc bầu cử tháng 12/1999, SPS nhận được 10% số phiếu bầu và trở thành khối có ảnh hưởng trong Duma Quốc gia (Hạ viện).
Tuy nhiên những năm sau đó, quan hệ giữa SPS và tân Tổng thống Vladimir Putin thay đổi đáng kể: SPS, từ ủng hộ ông Putin một cách vừa phải, chuyển sang công khai phản đối và mất đi sự ủng hộ của cử tri. Trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia năm 2003, SPS không vượt qua ngưỡng 5% số phiếu ủng hộ để hiện diện tại Hạ viện. Ông Nemtsov từ chức Chủ tịch SPS và chuyển sang tích cực làm kinh doanh. Những người có quan điểm tự do tại Nga không còn cơ hội thống nhất và hoàn toàn chia rẽ.
Năm 2011, ông Nemtsov quay trở lại đội ngũ các thủ lĩnh đối lập song không còn nổi trội như trước.
Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)