Nằm trên bờ sông Saraswati, Rani Ki Vav - có nghĩa là “Giếng nước của Hoàng hậu” - là một trong những giếng bậc thang cổ xưa nhất và được bảo tồn tốt nhất ở bang Gujarat. Giếng bậc thang đẹp kinh ngạc này được thiết kế dưới hình dạng một ngôi đền lộn ngược nằm sâu dưới lòng đất, được trang trí tinh xảo bằng vô số tượng điêu khắc chạm thẳng vào đá, mang đậm phong cách kiến trúc Maru-Gurjara độc đáo. Các bậc thang dẫn xuống qua 7 tầng với các hàng cột chạm khắc tinh xảo và hơn 1.000 tác phẩm điêu khắc, chủ yếu theo chủ đề thần Vishnu cũng như các hoa văn hình học ấn tượng.
Giếng được Hoàng hậu Udayamati xây dựng vào năm 1063 để tưởng nhớ chồng bà, Vua Bhimdev I của Vương triều Solanki (950-1300). Cũng giống như đền Taj Mahal, Rani Ki Vav được hoàn thành sau 20 năm xây dựng. Hai nhà khảo cổ học Henry Cousens và James Burgess đã đến đây vào cuối thế kỷ XIX khi giếng cổ này bị chôn vùi hoàn toàn dưới phù sa do một trận lũ lụt lịch sử ở đồng bằng sông Saraswati. Giếng được khai quật lại vào thập kỷ 40 của thế kỷ trước. Rani Ki Vav đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2014. Và như tên gọi của nó, Rani Ki Vav ngày nay được coi là Nữ hoàng trong số những giếng bậc thang ở Ấn Độ.
Cách Rani Ki Vav khoảng hơn 2 giờ chạy xe, bạn sẽ gặp một công trình biểu tượng tình yêu khác. Đó là Adalaj Ki Vav, hay còn gọi là giếng bậc thang Rudabai, nằm ở ngôi làng cùng tên Adalaj (cũng thuộc bang Gujarat), được xây bằng đá sa thạch theo phong cách kiến trúc Solanki và được xem là một ví dụ điển hình về kiến trúc cổ của Ấn Độ. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XV, Rana Veer Singh của triều đại Vaghela, trị vì vương quốc Dandai Desh, đã khởi công xây dựng giếng vào năm 1498.
Nhưng ông đã bị giết trong cuộc tấn công của vương quốc láng giềng Hồi giáo do Mohammed Begada cai trị. Như định mệnh đã sắp đặt, kẻ xâm lược đã đem lòng yêu góa phụ của Rana Veer Singh, một phụ nữ xinh đẹp tên là Rani Roopba. Dù rất đau buồn trước cái chết của chồng, bà đã chấp nhận lời cầu hôn của Begada nhưng với điều kiện trước tiên phải hoàn thành giếng bậc thang.
Say mê sắc đẹp của Hoàng hậu, Bagada đã đồng ý với lời đề nghị và cho xây giếng trong thời gian nhanh kỷ lục. Khi giếng được hoàn thành, Begada nhắc Roopba về lời hứa, nhưng Hoàng hậu, người đã đạt được mục tiêu hoàn tất công trình dang dở của chồng, đã quyết định kết liễu cuộc đời, kết thúc câu chuyện tình trong bi kịch. Câu chuyện bi ai này được khắc họa trên các bức tường thành của Adalaj Ki Vav. Begada được cho là rất ấn tượng với kiến trúc kiểu cung điện của giếng bậc thang, đến nỗi không muốn xây một bản sao khác.
“Hoa hồng màu đỏ, hoa violet màu xanh”, những kiệt tác tình yêu như Taj Mahal hay Rani Ki Vav/Adalaj Ki Vav chắc chắn sẽ làm bạn kinh ngạc. Trải qua nhiều thế kỷ, lịch sử và truyền thuyết về những giếng đền bậc thang ở Gujarat vẫn có sức hút huyền bí và mê hoặc – bởi cũng như Taj Mahal, những kiệt tác này mang trong mình vẻ đẹp của tình yêu vĩnh hằng.