Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ 2)

Kỳ 2: Giấc mơ dang dở

Cuộc đấu tranh vì quyền lợi của người da đen trong xã hội nước Mỹ vào giữa những năm 1960 do Martin Luther King khởi xướng vẫn diễn ra hết sức khẩn trương trong bối cảnh chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cùng với các hoạt động vì sự bình đẳng của người Mỹ gốc Phi, King, với tư cách là người đứng đầu Hội nghị lãnh đạo cơ đốc giáo miền nam (SCLC), còn kêu gọi nhân dân Mỹ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở bên kia bán cầu. King đã thẳng thắn phê phán vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cho rằng cuộc chiến vô nghĩa này đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho các quyền lợi của người dân và phá hoại các chương trình xã hội mà đáng ra chính phủ Mỹ phải chú trọng hơn.

Martin Luther King và vợ Coretta Scott King.

Cũng chính vì quan điểm phản đối chiến tranh này, King đã lọt vào "tầm ngắm" của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vì cho rằng ông có mối quan hệ với những người cộng sản ở Mỹ. Giám đốc FBI lúc bấy giờ là J. Edgar Hoover đã ra lệnh điều tra các hoạt động của King. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực từ nghe trộm điện thoại cho tới gài người vào bộ máy các cộng sự của vị mục sư da màu này, FBI vẫn không thể tìm ra được bằng chứng nào chống lại ông.

Khách sạn Lorraine ở Memphis, nơi M.L.King bị ám sát và nay đã trở thành Viện Bảo tàng Dân quyền Quốc gia.

Cũng trong thời gian đó, tức là vào đầu năm 1968, King lại đề xuất tổ chức "Chiến dịch cho dân nghèo", trong đó có các cuộc mít tinh ủng hộ những người lao công thu dọn rác thải da đen, vốn đang đình công để đòi chính quyền thay đổi các điều kiện làm việc. Cuối tháng 3/1968, King di chuyển tới thành phố Memphis, bang Tennessee để tham gia vào một hoạt động trong khuôn khổ "Chiến dịch cho dân nghèo" và ông cùng các cộng sự nghỉ tại khách sạn Lorraine. Mọi việc vẫn diễn ra hết sức bình thường khi King có bài diễn thuyết tại Mason Temple vào ngày 3/4 với những lời phát biểu mà sau này nhiều người cho rằng dường như là lời tiên tri về số phận của chính ông: "… cũng như tất cả mọi người, tôi cũng muốn được sống thật lâu. Hưởng thụ tuổi già là điều quan trọng nhưng với tôi thì điều đó không có ý nghĩa gì trong thời điểm hiện tại. Tôi muốn hoàn thành sứ mệnh mà Chúa đã giao phó. Tôi đã nhìn thấy miền đất hứa. Có thể tôi sẽ không cùng mọi người tới đó nhưng tôi muốn mọi người biết rằng tối nay chúng ta sẽ tiến tới miền đất hứa như là một dân tộc. Tôi không loại trừ bất kỳ ai. Giờ đây tôi đang được ngắm nhìn sự vinh hiển của Chúa!".

Và quả vậy, một ngày sau đó, lúc 6 giờ chiều ngày 4/4, khi King đang đứng trên ban công khách sạn Lorraine, chuẩn bị tham gia một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis, thì bất ngờ một viên đạn chết người được bắn ra từ một tòa nhà đối diện đã găm thẳng vào đầu King khiến ông gục ngay tại chỗ. Các cộng sự của King đang ngồi trong nhà khi nghe tiếng súng đã lao ra và gọi xe cấp cứu để đưa ông tới bệnh viện. Nhưng rồi mọi nỗ lực của các bác sỹ đã không thể đưa "người anh hùng của cộng đồng da đen" trở lại. Một tiếng sau đó, các bác sỹ chính thức thông báo Martin Luther King đã qua đời. Cái chết đột ngột của King ngay lập tức đã tạo ra một làn sóng biểu tình và bạo loạn ở hơn 60 thành phố của nước Mỹ. Nhiều người cho rằng đã có một âm mưu sát hại nhà lãnh đạo của cộng đồng người da màu này từ phía chính quyền.

Mộ phần của nhà lãnh đạo da màu M.L.King ở thành phố Atlanta.

Lễ tang của King ít ngày sau đó, được Tổng thống L. Johnson tuyên bố là ngày quốc tang, trở thành một cuộc mít tinh với sự tham gia của hơn 300.000 người. Theo nguyện vọng của vợ nhà lãnh đạo da màu, bà Coretta Scott King, bài diễn văn "định mệnh" mà King đọc một ngày trước đó được phát lại trong lễ tang dưới hình thức một bài điếu văn. Trong đó, King yêu cầu đừng nhắc đến các giải thưởng mà ông được trao, nhưng hãy nói với mọi người rằng ông đã nỗ lực "cho những người thiếu ăn", "mặc áo cho những người không có quần áo", "hành xử đúng đắn trong vấn đề chiến tranh Việt Nam", cũng như "yêu thương và phục vụ nhân loại". Cái chết của nhà lãnh đạo dân quyền với bài phát biểu bất hủ "Tôi có một giấc mơ" đã để lại nhiều tiếc nuối cho không chỉ nhân dân nước Mỹ, mà còn với cả hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào đấu tranh bất bạo động vì quyền lợi của những người da màu.

Ngay sau khi King bị sát hại, cảnh sát thành phố Memphis và FBI cũng ngay lập tức vào cuộc để truy tìm kẻ sát nhân. Với những chứng cứ tại hiện trường và lời khai của các nhân chứng, dường như việc tìm ra thủ phạm chỉ còn là vấn đề thời gian…

Minh Hương (Tổng hợp)

Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ cuối)
Bí mật đằng sau cái chết của Martin Luther King (kỳ cuối)

Trong suốt nhiều năm sau vụ ám sát nhà lãnh đạo phong trào dân quyền da màu Martin Luther King làm chấn động dư luận nước Mỹ, Loyd Jowers vẫn giữ thái độ im lặng và không bao giờ thừa nhận vai trò của mình trong vụ án này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN