Kỳ cuối: Lời sám hối muộn màng về một vụ án chưa có hồi kết
Trong suốt nhiều năm sau vụ ám sát nhà lãnh đạo phong trào dân quyền da màu Martin Luther King làm chấn động dư luận nước Mỹ, Loyd Jowers vẫn giữ thái độ im lặng và không bao giờ thừa nhận vai trò của mình trong vụ án này. Tuy nhiên, sau khi luật sư William Pepper công bố những tình tiết mới của vụ ám sát mà ông phát hiện được trong quá trình điều tra, cùng với sự day dứt lương tâm của một người đàn ông đã “gần đất xa trời” (Jowers đã ngoài 70 tuổi vào những năm 1990), ông chủ nhà hàng Jim’s Grill này đã bất ngờ lên truyền hình thừa nhận mình có dính líu tới âm mưu ám sát King. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh ABC-TV tháng 12/1993, Jowers thừa nhận đã được một nhân vật có liên quan tới một tổ chức mafia ở Memphis có tên là Frank C. Liberto trả 100.000 USD để dàn dựng vụ ám sát King.
Dexer King, con trai của M.L.King trong phiên tòa xét xử Loyd Jowers năm 1999. |
Theo kế hoạch, vào cái ngày 4/4/1968 định mệnh đó, 4 người đàn ông bao gồm cả cảnh sát thành phố Memphis và nhân viên đặc vụ liên bang, trong đó có William Eidson, một thành viên đội tử thần của quân đội Mỹ, đã có mặt tại nhà hàng Jim’s Grill. Chính Jowers đã khẳng định rằng một nhân viên cảnh sát đã cầm súng đi ra phía sau nhà hàng để thực hiện hành vi ám sát King và sau đó đem khẩu súng “nhuốm máu” đó trở lại nhờ Jowers cất giấu. Lời thú tội này cũng có phần đã trùng khớp với những gì mà một số nhân chứng đã kể lại với luật sư Pepper và chính vì vậy dư luận càng tin rằng vụ ám sát King là do một số thế lực cực đoan trong chính quyền Mỹ lúc bấy giờ lên kế hoạch thực hiện.
Cuốn sách “Orders to Kill” (Lệnh giết người) của Pepper viết về những bí mật đằng sau vụ sát hại King. |
Trước những lời nhận tội bất ngờ của Jowers, luật sư Pepper đã hoàn thành hồ sơ để yêu cầu tòa án bang Tennessee mở một phiên tòa phúc thẩm xét xử lại vai trò của James Earl Ray, người đã bị kết án là thủ phạm ám sát King. Tuy nhiên yêu cầu này vẫn bị tòa bác bỏ với lý do có nhiều tình tiết không thực sự đáng tin cậy. Nhân vật Liberto được Jowers đề cập tới trong câu chuyện của mình đã chết, trong khi tay sát thủ mà Jowers nói là đã thuê để ám sát King lại bác bỏ mọi sự dính líu tới vụ án này. Tòa án kết luận “có thể Jowers đã dựng lên một câu chuyện như vậy để tìm kiếm sự nổi tiếng!!!”. Và cuộc hành trình tìm kiếm một phiên tòa để minh oan cho vai trò của Ray trong vụ án đã kết thúc vào năm 1998 khi ông này bất ngờ qua đời trong nhà tù vì suy thận.
Cũng trong năm 1998, gia đình King đã đệ đơn lên một tòa án khác yêu cầu xét xử vai trò của Jowers trong vụ sát hại King và đã được chấp nhận. Sau một thời gian hoàn tất thủ tục, phiên tòa xét xử Jowers đã được mở ra vào tháng 11/1999, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận vì nhiều người cho rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để làm sáng tỏ những uẩn khúc xung quanh vụ sát hại “người anh hùng của cộng đồng da màu” tại Mỹ. Jowers (lúc đó đã gần 80 tuổi) chỉ tham dự một phần của quá trình xét xử do không đủ sức khỏe. Mặc dù Jowers không còn đủ minh mẫn để khai báo hết tại tòa nhưng những lời thú tội trước đó của ông này đã được đưa ra làm bằng chứng. Và như lời của cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Andrew Young, khi làm chứng tại tòa: “Tôi từng nói chuyện nhiều giờ với Jowers về vụ ám sát King. Tôi cảm nhận rằng người đàn ông ốm yếu này đã nói thực lòng vì ông ta muốn tâm hồn được thanh thản vào lúc cuối đời”.
Phiên tòa đã kết thúc gần một tháng sau đó với phán xét rằng Jowers có liên quan tới cái chết của King và đóng một vai trò then chốt trong vụ án này. Tuy nhiên, tòa án cũng chỉ ra rằng đây là một vụ án vô cùng phức tạp đã xảy ra quá lâu rồi, nhiều bằng chứng chưa thực sự chuẩn xác, lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn do chỉ dựa vào những gì họ nhớ lại từ cách đây 30 năm. Chính vì vậy, tòa án không thể đưa ra phán quyết rằng vụ ám sát King là một âm mưu lớn có sự đồng lõa của một số thế lực trong chính phủ. Gia đình King cũng chấp nhận bản án, đồng thời khẳng định “chúng tôi muốn với phiên tòa này mọi chuyện sẽ chấm dứt để có thể tiếp tục cuộc sống của mình ở phía trước”.
Đến nay, những kẻ thực sự đứng đằng sau vụ ám sát Martin Luther King vẫn tiếp tục là một bí ẩn và có lẽ sẽ không bao giờ bị đưa ra ánh sáng. Sự kiện làm rùm beng dư luận nước Mỹ trong suốt mấy thập kỷ qua rồi sẽ đi vào dĩ vãng cùng với thời gian, nhưng như lời của bà góa phụ Coretta Scott King, sẽ không có gì bằng một bản án lương tâm mà những kẻ chủ mưu ám sát King phải chịu đựng trong suốt cuộc đời còn lại của chúng.
Minh Hương (Tổng hợp)
Đón đọc số tới: Boongke bí mật của Đức