NỖI KINH HOÀNG "RADIUM ĂN XƯƠNG"
Tháng 5/1922, Mollie Maggia rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Cô mất hầu hết răng trong miệng trong khi chứng nhiễm trùng quái đản thì lan rộng khiến toàn bộ hàm dưới, phần vòm miệng và cả những phần xương ở tai bị áp xe.
Dù vậy, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Khi nha sĩ nhẹ nhàng gõ vào xương hàm từ phía trong miệng cô, trước sự kinh hoàng của ông, xương bệnh nhân vỡ tan dưới các ngón tay bác sĩ. Người nha sĩ chỉ cần dùng ngón tay đưa vào miệng và nhặt những mảnh xương ra. Chỉ vài ngày sau đó, toàn bộ xương hàm dưới của bệnh nhân rụng ra theo cách tương tự.
Cơ thể Mollie Maggia vỡ vụn theo đúng nghĩa đen. Ngày 12/9/1922, Mollie bị xuất huyết quá nặng nên đã qua đời, khi cô vừa tròn 24 tuổi. Các bác sĩ lúng túng và bất lực trước căn bệnh lạ của Mollie, cuối cùng họ viết trong giấy chứng tử rằng cô chết vì bệnh giang mai.
Sau Mollie Maggia, Grace Fryer và các “cô gái radium” khác… đều bị các triệu chứng lạ tương tự. Một người bị sụn cột sống, giống như cách hàm của Maggia bị radium huỷ hoại. Những người khác bị ung thư da, đục nhân mắt, ung thư họng và nhiều triệu chứng khác của phơi nhiễm radium trong thời gian dài như mất răng, rụng hết tóc.
Tội ác bị che giấu
Suốt 2 năm trời sau cái chết của Mollie Maggia và những người khác, công ty sở hữu nhà máy sản xuất đồng hồ phát sáng là Tập đoàn Radium Hoa Kỳ (USRC) hoàn toàn từ chối mọi trách nhiệm liên quan đến cái chết của các công nhân nữ tại nhà máy. Tuy vậy, tin đồn về thứ thuốc độc gây chết người cũng khiến cho công việc kinh doanh của USRC sa sút. Đến năm 1924, công ty này buộc phải thuê một chuyên gia nghiên cứu về mối liên hệ giữa công việc sơn mặt đồng hồ và những cái chết bất thường của công nhân để làm yên lòng dư luận.
Không giống như những nghiên cứu trước đây do công ty tự tiến hành về lợi ích của radium, nghiên cứu này được tiến hành độc lập. Nhưng khi chuyên gia xác nhận mối liên quan giữa radium và những căn bệnh lạ ở các “cô gái radium”, Chủ tịch USRC đã nổi điên lên. Một mặt giấu nhẹm kết quả nghiên cứu, một mặt USRC tiếp tục trả tiền tiến hành những nghiên cứu mới, cố tình đưa ra những kết luận trái ngược, và còn nói dối Bộ Lao động Mỹ khi đó cũng vào cuộc điều tra, về kết quả của cuộc nghiên cứu đầu tiên.
Dù chịu nhiều đau đớn vì bệnh tật, năm 1925, Grace Fryer, một trong các nữ công nhân tại nhà máy ở New Jersey quyết định kiện USRC ra tòa. Nhưng cô mất tới hai năm để tìm kiếm một luật sư đủ dũng cảm giúp mình. Năm 1927, Grace cùng với 4 đồng nghiệp khác đệ đơn kiện ra toà, và những dòng tít báo về câu chuyện kinh hoàng của các “cô gái phóng xạ” lan khắp thế giới.
Cuộc chiến pháp lý
Lúc này thách thức lớn nhất của những nữ công nhân đứng đơn kiện là phải chứng minh được mối liên hệ giữa những căn bệnh quái lạ mà họ mắc phải với phóng xạ radium mà họ nuốt vào người hàng trăm lần mỗi ngày. Họ cùng lúc phải đấu tranh chống lại quan điểm rộng rãi khi đó cho rằng radium là một chất an toàn.
Chỉ tới khi nam công nhân đầu tiên làm việc trong nhà máy radium qua đời, thì các chuyên gia mới thực sự vào cuộc. Năm 1925, một bác sĩ là Harriso Martland đã tiến hành các xét nghiệm và chứng minh rằng chính radium đã đầu độc các cô gái.
Nhóm điều tra do bác sĩ Martland dẫn đầu đã lục lại hồ sơ cái chết của Mollie Maggia, tiến hành khai quật tử thi và cuối cùng đã tìm ra lời giải thích cho những gì xảy ra bên trong cơ thể những công nhân phơi nhiễm radium.
Trên thực tế, từ đầu năm 1901, đã có bằng chứng cho thấy radium có thể gây hại ghê gớm tới sức khỏe con người dù chỉ tiếp xúc ngoài da. Nhà khoa học Pierre Curie từng nhấn mạnh rằng ông không muốn ở trong phòng kín với một kilo radium nguyên chất vì ông tin rằng nó sẽ đốt cháy toàn bộ da trên cơ thể ông, hủy hoại mắt và có thể giết chết ông. Còn bác sĩ Martland thì phát hiện ra rằng khi radium được đưa vào trong cơ thể dù chỉ với một lượng rất nhỏ, mức độ hủy hoại còn lớn hơn thế hàng ngàn lần.
Việc những nữ công nhân đồng hồ thường xuyên đưa một lượng nhỏ radium vào cơ thể qua đường miệng đã hủy hoại xương của họ. Nó tạo ra những lỗ hổng bên trong cơ thể họ theo đúng nghĩa đen cho dù họ đang sống bình thường. Rồi thứ chất phóng xạ này tấn công toàn bộ cơ thể người phụ nữ: Xương sống của Grace Fryer gần như bị “đục rỗng” và cô phải đeo đai lưng bằng thép để chống đỡ; hàm của của một cô gái khác bị radium “ăn sạch”. Chân của các nữ công nhân cũng co ngắn lại và rất dễ gãy.
Vụ kiện đi đến thắng lợi vào năm 1928 đã đánh một dấu mốc lớn về xây dựng những đạo luật về bảo hộ lao động độc hại. Lúc này, mối nguy hiểm từ radium đã được nhìn nhận đầy đủ hơn, kỹ thuật dùng môi “vuốt” chổi sơn bị cấm và các công nhân làm đồng hồ phát sáng được đeo dụng cụ bảo hộ.
Nhưng thêm nhiều phụ nữ khác tiếp tục đệ đơn kiện, trong khi các công ty radium cũng kháng cáo nhiều lần và cuối cùng vào năm 1939, Toà án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kháng cáo. Các nạn nhân sống sót được bồi thường. Các giấy chứng tử ghi đúng nguyên nhân cái chết của những người đã qua đời. Sơn phát sáng từ radium cũng bị loại bỏ dần và không còn được sử dụng trong các loại đồng hồ kể từ năm 1968.
Thật khó để tính toán bao nhiêu phụ nữ đã gánh chịu những vấn đề về sức khoẻ do nuốt phải radium, nhưng chắc chắn con số lên tới hàng ngàn người, theo tác giả Kate Moore của cuốn sách “The Radium Girls” viết về những cô gái sơn đồng hồ nhiễm độc radium. Một số hậu quả của radium chỉ được nhận thấy về lâu dài, qua các dạng ung thư khác nhau. Với vòng đời lên tới 1600 năm, một khi radium đi vào cơ thể của con người, nó sẽ ở đó mãi mãi.
Sau một cuộc chiến pháp lý khó khăn, một số "cô gái radium" đã được đền bù, số khác thì không và một số may mắn vẫn tiếp tục sống. Mabel William, sống ở Olympia (Washington), có lẽ là "cô gái radium" còn sống cuối cùng. Bà làm việc cho USRC năm 16 tuổi và vào năm 2015 bà 104 tuổi.
Năm 1942, các nhà vật lý tại Đại học Chicago đã thiết lập thành công một phản ứng dây chuyền ngắn. Ba năm sau, Dự án Manhattan đã sản xuất một số quả bom nguyên tử. Trong nhiều thập kỷ sau đó, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ ghi nhận nghiên cứu và kinh nghiệm thu được từ vụ việc USRC giúp họ đưa ra các quy trình xử lý và an toàn giúp hàng ngàn công nhân trong các ngành sản xuất phục vụ chiến tranh được an toàn trong Thế chiến thứ II.
Xem từ Kỳ 1: "Hội chứng cuồng Radium"