GIÁN ĐIỆP CỦA NHÀ VUA
Charles-Geneviève-Louis-Auguste-André-Timothée d’Éon de Beaumont sinh ngày 5/10/1728 trong một gia đình quý tộc nhỏ ở Burgundy. Bất chấp những tuyên bố sau này, không có điều gì bất thường khi ông ra đời, và D’Éon được tuyên bố là một bé trai.
Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Paris, những mối quan hệ của gia đình D’Éon đảm bảo cho ông một vị trí trong bộ máy chính quyền. Ông liên tục được thăng chức và đến năm 1756, trở thành thư ký cho Đại sứ Pháp tại Nga.
Tuy nhiên vai trò này, theo truyền thống, chỉ là một vỏ bọc. D’Éon được giao cho một sứ mạng hoàng gia quan trọng có tên là “le Secret du Roi” hay “Bí mật của Nhà Vua”. Đây là một mạng lưới gián điệp và đặc vụ ngoại giao do Vua Louis XV thành lập vào những năm 1740 với mục đích đưa người em họ của mình, Hoàng tử de Conti, lên ngai vàng Ba Lan và biến quốc gia này thành một vệ tinh của Pháp.
Nhóm “Mật vụ Nhà Vua” hoạt động cực kỳ bí mật, đôi khi còn hành động đi ngược lại với Bộ Ngoại giao của Pháp. D’Éon được giao nhiệm vụ thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với triều đình Nga của Nữ hoàng Elizabeth và sắp xếp để bà đứng sau việc “cài” hoàng tử Conti tại Ba Lan cũng như thúc đẩy lợi ích của nước Pháp nói chung. Mặc dù D’Éon có năng lực, hoạt động tích cực, khéo léo và thông minh, nhưng thực tế địa chính trị lại quá nghiệt ngã: cùng năm đó, Pháp bước vào cuộc Chiến tranh Bảy Năm với Anh.
Cuộc chiến diễn ra không suôn sẻ với Pháp, đến tháng 3/1762, Vua Louiz XV kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình. D’Éon rút khỏi Nga, trở thành một sĩ quan Long Kỵ binh (Dragoon) trong quân đội Pháp. Tháng 8/1762, ông được bổ nhiệm làm thư ký cho Đại sứ Pháp tại London, lúc đó đang đàm phán hòa bình với Anh. Ông cũng được trao Huân chương Saint Louis, một vinh dự lớn dành cho một người đàn ông chỉ mới 35 tuổi. Từ đó, D’Éon được xưng là “Chevalier”, tức “Quý Ngài”.
Khi hiệp định hòa bình với Anh được ký vào tháng 2/1763, Pháp bị tước bỏ các thuộc địa ở Bắc Mỹ, gánh nhiều khoản nợ khổng lồ và tuyệt vọng tìm cách trả thù. Vì vậy, nhóm “Mật vụ Nhà Vua” được tập hợp lại với một sứ mạng mới: Xâm chiếm nước Anh.
Vào tháng 4/1763, D’Éon được bổ nhiệm làm Đại sứ, tương đương quyền Bộ trưởng, tại Triều đình Anh. Đây là một vỏ bọc tuyệt vời để ông tiến hành một cuộc khảo sát các vùng bờ biển Anh nhằm tìm ra một nơi thích hợp cho cuộc đổ quân của Pháp. D’Eon cũng có nhiệm vụ xây dựng quan hệ với các thành viên trong đảng đối lập tại Quốc hội Anh.
Mọi chuyện dường như đang diễn ra suôn sẻ với sự nghiệp của D’Éon thì chỉ trong vài tháng, tất cả bỗng sụp đổ. Nguyên do bắt nguồn từ những sở thích tốn kém của D’Éon đã gây bất bình với chính phủ vốn eo hẹp tiền bạc tại Pháp.
Cùng năm, D’Éon bị giáng chức xuống thư ký, nhường chỗ cho Đại sứ Comte de Guerchy, vốn là một nhà ngoại giao ít kinh nghiệm, thiếu năng lực. Làm việc dưới trướng Guerchy, nhưng D’Éon vẫn giữ lối hành xử bề trên và thường xuyên mâu thuẫn với sếp về hoạt động trong nhóm gián điệp.
Vào ngày 4/10/1763, chỉ sáu tháng sau khi nhận việc, D’Éon đã bị sa thải vì những hành vi xấc xược của mình. Ông được giao hẹn thu xếp đến ngày 19/10 phải trở về nước để chịu trừng phạt. Nhưng D’Éon đã không trở về. Ông có lý do rõ ràng để lo ngại rằng điểm đến tiếp theo của mình sẽ là ngục Bastille.
Mặc dù vậy, D’Éon cũng biết rằng vị trí của ông trong nhóm “Mật vụ Nhà Vua” chính là một lớp bảo vệ. Thời điểm đó, Vua Louis XV ra lệnh triệu hồi D’Éon trở lại Pháp, trong khi Ngoại trưởng Anh lại từ chối, tuyên bố rằng ông được tự do ở lại Anh với tư cách một công dân.
D’Éon thoát khỏi nguy hiểm nhưng Bộ Ngoại giao Pháp vẫn không ngừng thực hiện những nỗ lực để bắt cóc và tóm được ông. Để trả đũa, điệp viên của Pháp tìm cách bắn tiếng với cấp trên của mình trong nhóm “Mật vụ Nhà Vua” rằng ông sẽ công bố mọi bí mật nếu không được minh oan.
Vào tháng 3/1764, D’Éon nổ phát súng cảnh cáo: Ông cho xuất bản một cuốn sách tai tiếng, dự định chỉ là tập đầu tiên trong nhiều tập, bao gồm toàn bộ các thư tín ngoại giao của ông kể từ khi được bổ nhiệm vị trí bộ trưởng toàn quyền ở Anh.
Cuốn sách có tác động lập tức. D’Éon từ chỗ chỉ là một nhân vật không mấy tên tuổi trên vũ đài chính trị châu Âu đã trở thành nhân vật trung tâm chỉ trong một thời gian ngắn. Cái tên Chevalier D’Éon không chỉ được báo chí nhắc đến mà còn xuất hiện trong những cuộc trao đổi của nguyên thủ quốc gia, các quán cà phê hay trong các gia đình quý tộc.
Xem tiếp Kỳ cuối: NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ ÉP LÀM ĐÀN ÔNG