Bật mí về “Cái ao” của nước Mỹ

Theo tài liệu mới được Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) công bố, trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai và Chiến tranh Lạnh, Oasinhtơn đã sử dụng một tổ chức tình báo tư nhân quốc tế có biệt danh “The Pond” (Cái ao). Đây là tổ chức tình báo tư nhân lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, quy tụ nhiều điệp viên kỳ cựu và trong số đó có cả tên giết người hàng loạt người Pháp, Marcel Petiot.


Tên giết người hàng loạt Marcel Petiot – một nhân viên của “The Pond”.

Sự tồn tại của một tổ chức bí mật của Mỹ ở châu Âu mang tên “The Pond” trong những năm 1942 – 1955 vốn là một nghi vấn. Khi hồi ký của những người sáng lập ra tổ chức này được công bố, công chúng cảm thấy “The Pond” dường như chỉ xuất hiện trong sách vở chứ không phải trên thực tế. Nhưng người ta đã buộc phải tin vào sự tồn tại trong lịch sử của “The Pond” khi tài liệu lưu trữ về tổ chức này được tìm thấy năm 2001 và càng hiểu rõ hơn về hoạt động của “The Pond” khi công chúng được quyền tiếp cận những tài liệu này từ tháng 4/2010.


“The Pond” từng có nhiều tên gọi, đầu tiên là Special Service Branch, rồi Special Service Section và cuối cùng là Coverage and Indoctrination Branch. “The Pond” (Cái ao) là “tên thân mật” của tổ chức này, để đối với tổ chức “The Bay” (Cái vịnh) của CIA.


Các hoạt động chính của “The Pond” bao gồm mã hóa tài liệu, tình báo chính trị và các hoạt động bí mật khác. Tổ chức này quy tụ hơn 600 điệp viên ở 32 quốc gia và tất cả những người này chỉ làm việc cho Mỹ chứ không phải các nước đồng minh nói chung.


“The Pond” do lực lượng bộ binh Mỹ thành lập theo chỉ đạo của tình báo quân đội nước này. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, “The Pond” tách ra khỏi quân đội, tiếp tục hoạt động như một tổ chức tình báo tư nhân và là nhà thầu của quân đội, Bộ Ngoại giao, CIA và cả Cục Điều tra liên bang (FBI) của Mỹ. Năm 1955, “The Pond” bị giải thể trong bối cảnh Oasinhtơn muốn tái cơ cấu và tập trung hóa ngành tình báo, cộng với việc người đứng đầu tổ chức này bị phát hiện bán thông tin cho Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy.


Người đứng đầu “The Pond” là Đại tá John V. Grombach – nguyên là nhà sản xuất âm nhạc của CBS Radio, một chuyên gia về truyền tín hiệu mã hóa trong các chương trình phát thanh. “The Pond” ra đời có sự hỗ trợ lớn về tài chính và hậu cần của hãng điện gia dụng danh tiếng của Hà Lan, Philips.



 Bìa cuốn hồi ký của John V. Grombach viết về “The Pond”.


Thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, khi phát xít Đức tiến vào Hà Lan, lãnh đạo hãng Philips phải rời Hà Lan sang lánh nạn ở Mỹ. Phòng quan hệ công chúng của hãng Philips ở New York trở thành tấm bình phong cho tổng hành dinh của “The Pond”. Philips tiếp tục duy trì quan hệ mật thiết với lực lượng tình báo và quân đội Mỹ; các nhà lãnh đạo của Philips đã tham gia một cách rất tích cực vào việc thành lập Nhóm Bilderberg, một tổ chức có ảnh hưởng rất lớn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Noi gương” Philips, nhiều tập đoàn khác cũng giúp “The Pond” che đậy các hoạt động tình báo của tổ chức này, trong đó có American Express Co., Remington Rand, Inc. và Chase National Bank.


Hoạt động tình báo của “The Pond” trong không ít trường hợp có liên quan đến những quan chức cấp cao các nước, như: Trong 6 tháng cuối của Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, tổ chức tình báo tư nhân này đã tiến hành những cuộc thương lượng với Thống chế Herman Goring, Tư lệnh không quân Đức; “The Pond” cũng nắm được rất chi tiết những vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô; “The Pond” có quan hệ mật thiết với Đô đốc Miklos Horthy của Hunggari cũng như gia đình ông ta.


Điều gây ngạc nhiên là không có dấu tích nào cho thấy những tin tức tình báo trên được gửi tới bộ máy cao cấp nhất của chính quyền Mỹ thời kỳ đó, hoặc được khai thác một cách đúng đắn.


Cũng gây ngạc nhiên không kém là việc “The Pond” từng thu thập những thông tin tình báo quý giá về lực lượng cảnh sát bí mật của Đức Quốc xã tại Pari thông qua sự môi giới của Marcel Petiot, kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng tại Pháp. Marcel Petiot thực ra là một bác sĩ, rất thông minh nhưng lại mắc chứng tâm thần. Trước khi trở thành kẻ sát nhân, Marcel Petiot có một phòng khám ở Pari chuyên điều trị cho những quan chức của Gestapo và của quân đội Đức. Chính vì Petiot có quan hệ như thế mà nhân viên của The Pond tiếp cận và đề nghị cộng tác. Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Marcel Petiot đã giết tổng cộng 63 người trong chính ngôi nhà của hắn, các nạn nhân chủ yếu là người Do Thái muốn chạy trốn khỏi trại tập trung của Đức Quốc xã. Với chiêu bài sẵn sàng bao bọc những người muốn trốn chạy, Petiot đã cho họ tá túc tại nhà mình. Sau khi nhận tiền thuê nhà, Petiot liền tiêm cho họ một liều kịch độc, giả vờ bảo họ là "vắcxin phòng bệnh". Năm 1944, cảnh sát tiến hành điều tra nhà của Petiot do có mùi hôi thối bốc lên từ những xác nạn nhân bị hắn thiêu. Tên này đã bị kết án và bị chém năm 1946.


Có thể nói, “The Pond” là một trong những tổ chức tình báo tư nhân lớn nhất trong lịch sử. Những người làm việc cho tổ chức này không phải vì lòng yêu nước mà vì ham muốn lợi dụng thời buổi chiến tranh để kiếm tiền. Do đó, thành phần điệp viên của “The Pond” khá hỗn tạp, từ những kẻ giết người hàng loạt tới những quan chức chính trị tha hóa biến chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN