Bắt giặc lái Mỹ trên vịnh Hạ Long

Chuyện 3 chiến sĩ đại đội 7 đóng quân trên đảo Cô Tô, Quảng Ninh bắt được giặc lái Trung úy I.Anvơret và đối xử nhân ái, một lần nữa khẳng định tinh thần chiến đấu ngoan cường và thắm đượm tình người, không kể màu da chiến tuyến, dù là kẻ thù vẫn được đối xử theo luật nhân đạo quốc tế.

 

Tay không bắt giặc


Theo số điện thoại do một đồng nghiệp báo Hải quân Việt Nam cung cấp, tôi gọi cho ông Nguyễn Kim Bảo- một trong 3 chiến sĩ năm 1964 bắt giặc lái Mỹ trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Giọng ông Bảo phấn khởi từ đầu dây: “Bắt được tên giặc lái lúc đó sung sướng lắm anh ạ. Lúc đó cả đại đội ăn mừng, còn tên giặc lái thì co rúm. Khi bắt, nó vẫn bướng bỉnh lắm, nhưng sau nó hiểu được nó là tù binh. Dĩ nhiên chúng tôi lúc đó đối xử với nó rất nhân ái và đúng tình người”.

 

Trung úy giặc lái I. Anvơret. Ảnh: Công Vượng


Sáng sớm ngày 4/8/1964, theo lệnh của trung úy, Đại đội trưởng Lâm Văn Xanh, thượng sĩ Nguyễn Kim Bảo cùng hai chiến sĩ là Lê Văn Lộc (quê ở thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) và Nguyễn Đình Giang (ở phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả, nay là thành phố Cẩm Phả) đi thuyền buồm vào quân khu để báo cáo tình hình công việc, kết hợp với việc lấy quân nhu, lương thực cho đơn vị, bảo đảm trong những ngày tới. Thực hiện xong nhiệm vụ, tổ công tác của ông Bảo hành trình về đơn vị bằng thuyền buồm. Sóng yên, trời lặng gió, tổ công tác chèo gần 5 tiếng đồng hồ vẫn chưa ra khỏi vịnh Hạ Long.


Khoảng hơn 14 giờ chiều cùng ngày, cả ba người đang ra sức chèo thì bất thần những loạt pháo nổ rền trên trời. “Lúc đó chúng tôi thấy nguy quá, vì chưa về được đơn vị. Tôi ngước lên thấy một máy bay Mỹ trúng đạn cháy đùng đùng rồi lao xuống biển cách thuyền buồm chúng tôi chừng 300 mét. Chúng tôi chèo nhanh đến chỗ máy bay vừa bổ nhào. Cũng chỉ để kiếm chiến lợi phẩm thôi, ai ngờ lại bắt được giặc lái chứ”, ông Bảo cười khà khà trong máy.


Tổ công tác tiếp cận đến máy bay bị bắn chìm, ông Bảo đã phát hiện có một phi công Mỹ trong bộ quần áo bay đang tìm mọi cách chống chìm. Ngay lập tức, ông Bảo lệnh: “Giơ tay lên, đưa lên đầu hàng”. Tên giặc lái làm theo. Ông và 2 chiến sĩ kéo lên thuyền buồm. Nêu cao tinh thần cảnh giác, tổ công tác đã thu dao găm, bật lửa, giấy tờ của hắn và trói hắn vào cột buồm, phủ vải buồm nâu lên đầu để phòng máy bay Mỹ quay lại cướp mất tên tù binh. “Lúc đó, tôi cầm khẩu súng ngắn K54, ông Giang vẫn cầm chắc khẩu súng trường CKC trong tay, ông Lộc với khẩu súng tiểu liên AK giương lên cao. Chúng tôi cảnh giác cao độ đề phòng máy bay Mỹ quay lại ném bom. Tuy căm thù giặc Mỹ xâm lược, song trước mắt tôi lúc đó tên giặc chỉ là kẻ bại trận. Chính tôi đã châm cho hắn một điếu thuốc lá. Sau chúng tôi đã bàn giao tên giặc lái cho các chiến sĩ tàu Hải quân.

 

Biên đội tàu Tiểu đoàn 12 đánh máy bay Mỹ bảo vệ Nhà máy điện Cọc 5 Quảng Ninh. Ảnh:Tư liệu Lữ đoàn 171.


Trở về đơn vị ở đảo Cô Tô, ông Bảo và đồng đội đã báo cáo lại với chỉ huy đơn vị việc bắt được viên phi công Mỹ trên vịnh Hạ Long. Trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu, ông Bảo đã được nhận bằng khen, còn ông Lê Văn Lộc và ông Nguyễn Đình Giang được nhận giấy khen của quân khu tặng vì đã có thành tích bắt sống viên phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc.


Tấm ảnh lịch sử


Năm nay đã ở tuổi 81, nhưng đối với ông Công Vượng, phóng viên báo Quảng Ninh- người đã chụp bức ảnh trung úy giặc lái Mỹ I. Anvơret 50 năm trước thì ký ức vẫn chưa phai mờ.


Nhà báo Công Vượng kể lại: Ông được phân công đi viết về chiếc máy bay rơi, nhưng chụp thế nào khi chiếc máy bay cắm đầu giữa biển Hạ Long? Ông nghĩ, nếu chụp xác máy bay thì thiếu đi “chủ ngữ” của bức ảnh, nên ông quyết định không chụp bức ảnh ấy. Lúc ông đang ăn tối tại gia đình, thì nghe tin tòa soạn báo Quảng Ninh thông báo, ba cán bộ chiến sĩ của đại đội 7 trên đảo Cô Tô bắt sống viên phi công Mỹ, đang giam giữ ở quân cảng Bãi Cháy (khu vực Công ty Xăng dầu B12 hiện nay). Ông Vượng xách máy ảnh ra đi.


Lúc ấy viên phi công I. Anvơret đang ngồi hút thuốc lá. Khi nhìn thấy đông nhà báo, phóng viên với nhiều máy ảnh, máy quay, hắn nheo mắt, nghẹo cổ coi thường như trêu ngươi. Ông Vượng đã tỏ thái độ nghiêm nét mặt và đưa ống kính chụp liền ba kiểu, trong đó có hai kiểu viên giặc lái cúi đầu khiếp sợ. Báo Quảng Ninh ngày hôm sau đăng bức ảnh “Giặc lái I. Anvơret cúi đầu run sợ” trên trang nhất. Ngay sau đó, bức ảnh được truyền đăng ở nhiều tờ báo trong và ngoài nước kèm theo nhiều bài viết về vụ “Ba chiến sĩ bắt giặc lái Mỹ”.


Bức ảnh đen trắng trung úy phi công I. Anvơret giờ đây đã không còn là tài sản của riêng nhà báo Công Vượng nữa, nó đã trở thành một bức ảnh đặt biệt, là tư liệu quí giá của lịch sử Việt Nam. 30 năm sau trở lại Việt Nam, thăm bảo tàng Quân đội, I. Anvơret đã phải rơi nước mắt khi nhìn thấy khuôn mặt của mình trong ngày bại trận.

 

Mai Thắng

Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân VN
Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân VN

Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ và nhân dân đã hy sinh trong trận chiến đấu đánh đuổi tàu khu trục Maddox và đánh trả máy bay của đế quốc Mỹ xâm lược trong ngày 2 và 5/8/1964.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN