Đến tháng 4 cùng năm, virus gây ra dịch bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc) khiến 250.000 người mắc, tương đương với 10% dân số tại Hong Kong khi đó. Tháng 6 cùng năm, Ấn Độ ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm.
Không lâu sau đó, virus “đặt chân” đến Anh và đến tháng 9 đươc ghi nhận xuất hiện ở Anh, Xứ Wales cùng Scotland. Mùa hè năm 1957, virus cúm A (H2N2) xuất hiện tại Đông Á này đã "đặt chân" đến nhiều thành phố biển Mỹ. Các bác sĩ đều ngỡ ngàng trước mức lây nhiễm của dịch bệnh cũng như tình trạng virus tấn công người trẻ tuổi.
Theo tạp chí The Lancet, ở thời điểm năm 1957, không ai dám chắc rằng thủ phạm gây dịch bệnh khi đó là loại virus mới hay là biến thể của virus gây đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919).
Không như ngày nay, các nhà dịch tễ học khi đó chưa có năng lực lần dấu tác nhân gây bệnh mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bỏ lỡ các tín hiệu ban đầu. Và các chuyên gia chỉ biết đến dịch “cúm châu Á” khi tờ The New York Times (Mỹ) đăng tải các nội dung về dịch bệnh tại Hong Kong. Năm 1957, các chuyên gia virus vẫn chưa nắm bắt được cơ chế di truyền trong sự xuất hiện của chủng virus mới. Điều này dẫn đến bối rối về việc liệu virus cúm khi đó có phải là biến thể của H1N1 trong đại dịch cúm Tây Ban Nha hay không.
Bệnh nhân mắc “cúm châu Á” thường bị run chân, ớn lạnh, kiệt sức, đau họng, chảy nước mũi, ho và sốt cao. Người trưởng thành còn bị đau chân, trẻ em lại có tình trạng đau đầu và một số em nhỏ tuổi còn bị chảy máu cam. Các triệu chứng thường không quá nghiêm trọng và bệnh nhân có thể hồi phục sau một thời gian nghỉ ngơi với biện pháp hạ sốt đơn giản. Có tới 50% các trường hợp tử vong tại Anh vì “cúm châu Á” có ghi nhận tình trạng viêm phổi và viêm phế quản.
Giới chức Mỹ và Anh đã không có động thái để giảm thiểu tình trạng lây lan của dịch cúm như kiểm tra tại biên giới hay cách ly. Một sinh viên trẻ tại bệnh viện St Thomas (London) khi đó, ông Hugh Pennington kể lại rằng các bệnh viện chưa có khoa chăm sóc đặc biệt vào năm 1957. Khi làn sóng dịch thứ hai hình thành vào mùa Thu cùng năm tại Anh, các bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhân tăng đột biến. Giải pháp giới chức Anh và Mỹ lựa chọn ở thời điểm đó là tiêm vaccine.
Nhà vi trùng học Maurice Hilleman tại viện nghiên cứu quân sự Walter Reed đã gửi các mẫu virus gây “cúm châu Á” đến 6 công ty dược lớn nhất của Mỹ và hối thúc họ sản xuất vaccine. Các công ty dược Mỹ đã đồng ý đến tháng 9/1957 cung cấp hàng chục triệu liều.
Đến tháng 11/1957, tỷ lệ mắc “cúm châu Á” giảm tại Mỹ, ở thời điểm này, có 53 triệu liều vaccine đã được phân phối. Tờ Smithsonian cho biết các nhà nghiên cứu ước tính rằng nếu không điều chế vaccine kịp thời, nhiều khả năng có tới 1 triệu người Mỹ có thể tử vong vì dịch “cúm châu Á”.
Đến tháng 4/1958, dịch “cúm châu Á” kết thúc với 20.000 người dân Anh và 80.000 công dân Mỹ thiệt mạng. Trên toàn thế giới, virus cúm A (H2N2) đã khiến trên 1 triệu người tử vong.
Mặc dù vaccine chưa tạo được ảnh hưởng đáng kể trong dịch “cúm châu Á” năm 1957 nhưng đã tạo được một tiền lệ mới và đạt hiệu quả vào năm 1968 khi một dịch cúm khác bùng phát từ Hong Kong (Trung Quốc). Khi đó, vaccine phòng cúm đã được điều chế và sẵn sàng sử dụng chỉ sau 66 ngày.
Dịch cúm năm 1968, còn được gọi là “cúm Hong Kong”, khiến 30.000 người Anh và 100.000 người Mỹ tử vong. Trong đợt cao điểm dịch vào tháng 12/1968, tờ The New York Times miêu tả đây là “một trong những thời điểm tồi tệ nhất lịch sử Mỹ”. Tuy nhiên, khi đó chỉ có vài trường học đóng cửa còn các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Dịch cúm A (H3N2) năm 1968 dẫn đến cái chết của hơn 1 triệu người trên toàn cầu.