Al-Qaeda ở Syria: IS và Mặt trận Al Nusrah - Kỳ 2: Nở rộ trong thời loạn

Ngày 5/10/2013, Cole Bunzel của trang jihadica.com lưu ý rằng ISIS đã khăng khăng “về sự bất tuân đối với những người được cho là thượng cấp của nhóm này trong ban lãnh đạo tối cao Al-Qaeda, trong đó có cả al-Zawahiri. Còn William McCants ở Viện Brookings thì nhận định “trong lịch sử 25 năm của Al-Qaeda, không một chi nhánh nào từng bày tỏ sự bất đồng với ông chủ của mình một cách trâng tráo như vậy”.

 

Chiến binh IS chĩa súng vào những binh sĩ Iraq bị bắt giữ.


Sự ly khai của ISIS đã được loan báo rộng rãi trên các diễn đàn thánh chiến và trang mạng xã hội. Một số ủng hộ ISIS, một số ủng hộ Mặt trận Al Nusrah và các nhóm khác thể hiện sự ủng hộ ngang bằng nhau đối với cả 2 tổ chức này, bởi cả 2 đều đang tiến hành thánh chiến chống kẻ thù. Tuy nhiên trên thực địa, Mặt trận Al Nusrah đang cố gắng duy trì sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng Syria, trong khi ISIS lại phát động những cuộc tấn công nhằm vào những chiến binh Hồi giáo “anh em” và áp đặt luật Hồi giáo khắc nghiệt tại những thị trấn mà nhóm này chiếm giữ.


Có vẻ như ISIS đã không rút kinh nghiệm ở Iraq nơi các chiến dịch tàn bạo của Al-Qaeda đã khiến nhiều người Hồi giáo Sunni xa lánh và đẩy nhóm này vào tình cảnh bị cô lập. Sau khi chiếm được thành phố Raqqa miền Đông Syria hồi tháng 5/2013, ISIS đã tập trung vào việc củng cố quyền lực bằng cách hăm dọa, tạo sự độc lập về kinh tế và tìm cách hợp nhất miền Đông Syria với các thành trì của nhóm này tại Iraq.


Các cộng đồng thiểu số bị đuổi ra khỏi thành phố, các nhà báo và nhân viên cứu trợ nước ngoài không được hoan nghênh nữa và hiện hàng trăm người đang bị ISIS giam giữ. Theo Chris Looney của “Syria Comment”, chuyên trang về tình hình chính trị Syria, sự thù hằn đối với các nhóm thiểu số, hệ thống pháp luật hà khắc và sự trấn áp tàn bạo những người chống đối đã tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội, làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của ISIS và khiến nhóm này không được coi là một phần hợp pháp của phe đối lập. Bởi vậy chiến lược điều hành hiện nay của ISIS có khả năng sẽ không bền vững.

 

Thủ lĩnh Mặt trận Al Nusrah Muhammad al Golani.

 

Tuy nhiên, ISIS “nở rộ” trong sự bất ổn, loạn lạc và khi cuộc chiến ở Syria đã diễn ra được hơn 1.000 ngày mà không hề có dấu hiệu sẽ đi đến hồi kết, thì ISIS sẽ vẫn bảo toàn được “cứ địa” của mình ở Raqqa và những nơi khác. Việc nhóm này có rút ra bài học từ những sai lầm của mình hay không vẫn còn phải chờ xem, nhưng nếu không có sự thay đổi chóng vánh nào trong viễn cảnh của cuộc xung đột thì chắc chắn ISIS sẽ vẫn tồn tại.


Nhưng có một thực tế rõ rệt là hiện nay ISIS không chỉ bị ban lãnh đạo Al-Qaeda mà cả Mặt trận Al Nusrah và hầu hết các phe phái nổi dậy khác chối bỏ, bởi ISIS mang một hệ tư tưởng không thỏa hiệp và áp đặt luật Hồi giáo hà khắc tại những khu vực thuộc quyền kiểm soát của chúng.


Mặt trận Al Nusrah


Theo một báo cáo của Quỹ Quilliam (có trụ sở tại Anh, do một nhóm cựu chiến binh Hồi giáo thánh chiến thành lập), ngay từ năm 2000, Al-Qaeda đã đưa các điệp viên đến Syria để huấn luyện vì mục đích tham chiến tại Iraq. Tháng 3/2011 khi cuộc nổi dậy tại Syria bùng phát, đến lượt Al-Qaeda tại Iraq điều những người Syria đã được huấn luyện và các chiến binh nổi dậy Iraq trở lại Syria. Tại đó, những đối tượng này đã tự xưng là một tổ chức tự trị và thắt chặt các mối liên hệ trực tiếp với Al-Qaeda, chính thức trở thành một chi nhánh của Al-Qaeda gọi là Mặt trận Al Nusrah. Mặt trận này đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài vào tháng 5/2013.


Nhiều phần tử của của Mặt trận Al Nusrah đến từ mạng lưới thánh chiến của Abu Musab al-Zarqawi (kẻ bị phương Tây coi là trùm khủng bố tại Iraq và đã thiệt mạng năm 2006). Mạng lưới này được thành lập trong những năm 2000 và “dời đô” đến giữa lòng Baghdad năm 2002 sau khi Zarqawi đến từ Afghanistan qua ngả Iran. Những người Syria hoạt động cùng Zarqawi ở Herat, Afghanistan, trong năm 2000 đã được điều động để thiết lập các chi nhánh của mạng lưới này ở Syria và Liban, chịu sự kiểm soát và phối hợp của Zarqawi từ Iraq.


Những phần tử thánh chiến này đã mở ra “các quán trọ” ở Syria, nơi trung chuyển các chiến binh tiềm tàng vào Iraq và những cơ sở như vậy đã mọc lên như nấm. Trong giai đoạn này, Syria đóng vai trò như một kênh chính trong việc tài trợ cho mạng lưới này, với các phần tử thánh chiến từ Saudi Arabia và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh ở vùng Levant nhận được sự hỗ trợ tài chính từ “các nhà hảo tâm” tại nước họ.


Ngày 24/12/2012, Mặt trận Al Nusrah chính thức công bố mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria và một vương quốc Hồi giáo ở vùng Levant (Cận Đông) bởi thủ lĩnh của nhóm này là Muhammad al-Golani (al-Jawlani). Với cái tên al-Golani, tên này có thể đến từ vùng Cao nguyên Golan và được cho là có quan hệ mật thiết với al-Zarqawi và Al-Qaeda ở Iraq. Golani đã vài lần bị tuyên bố đã thiệt mạng trong giao tranh nhưng gần đây đã lại xuất hiện trên kênh truyền hình Al Jazeera, quay lưng lại ống kính và cuốn khăn đen che mặt.


Golani đã từ chối công nhận FSA, cho rằng nhận viện trợ của các nước phương Tây trong cuộc chiến lật đổ chế độ Tổng thống Assad là một tội ác. Tên này cũng tuyên bố phản đối Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ, và cũng chống đối với cả Liên đoàn Arập lẫn Iran. Với việc từ chối hợp tác với phe đối lập ủng hộ dân chủ, Mặt trận Al Nusrah đã xé nhỏ các lực lượng chống Assad. Đây là một biện pháp phản tác dụng bởi chính nhóm này cũng đang khiến cộng đồng quốc tế xa lánh.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ cuối: Mặt trận Al Nusrah - Tinh về chất

Al-Qaeda ở Syria: IS và Mặt trận Al Nusrah
Al-Qaeda ở Syria: IS và Mặt trận Al Nusrah

Khi cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra ác liệt ở Syria và ngày càng nguy hiểm đối với các nhà báo, việc thu thập thông tin đáng tin cậy và chi tiết về các tổ chức Al-Qaeda hoạt động bên cạnh phe nổi dậy là hết sức khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN