Alexander Đại đế - Người vẽ lại bản đồ thế giới: Kỳ 1

Tới thời điểm qua đời ở tuổi 32, ông đã vẽ lại bản đồ của Bắc Bán cầu, chinh phục lãnh thổ trên ba lục địa và cai trị các vùng đất từ Ai Cập đến Ấn Độ ngày nay.

Kỳ 1: Chiến tích phi thường

Từ khi ông mất vào năm 323 trước Công nguyên, thế giới vẫn luôn bị Alexander Đại đế mê hoặc, người đã rời vương quốc Macedonia (nay thuộc Hy Lạp) năm 20 tuổi để chinh phục Đế chế Ba Tư hùng mạnh. Ông tiến quân xa đến tận sông Ấn ở Pakistan ngày nay, thậm chí còn vượt qua biên giới vào Ấn Độ ngày nay trước khi qua đời tại Babylon, nay thuộc Iraq.

Chú thích ảnh
Bức tranh khảm Alexander mô tả Trận chiến Issus chống Darius III. Ảnh: Art Images/Hulton Fine Art Collection/Getty Images

Hơn 2.000 năm sau, người ta vẫn có thể thấy di sản của ông ở các quốc gia xa xôi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan cũng như ở Hy Lạp, nơi vào năm 2024, các nhà khảo cổ đã mở cửa Cung điện Hoàng gia Aigai cho khách tham quan. Cung điện này là trung tâm nghi lễ của vương triều Macedonia, nơi Alexander được đăng quang sau khi cha ông, Vua Philip II, bị ám sát.

Theo ông Paul Cartledge, Giáo sư danh dự AG Leventis về văn hóa Hy Lạp tại Đại học Cambridge, những gì Alexander đạt được trong 32 năm cuộc đời là điều “độc nhất vô nhị”. Ông nói rằng Alexander đã “vẽ lại bản đồ thế giới” bằng vũ lực, trong khi cha ông luôn ưu tiên ngoại giao.

Được phong vương của Macedonia vào năm 336 trước Công nguyên khi mới 20 tuổi, Alexander chỉ ở châu Âu hai năm sau vụ ám sát Vua Philip để củng cố quyền lực và đàn áp các cuộc nổi dậy ở miền Nam Hy Lạp và khu vực Balkan.

Sau đó, vào năm 334 trước Công nguyên, ông dẫn quân tiến vào châu Á để thực hiện tham vọng của Vua Philip: chinh phục Đế chế Ba Tư - đế chế lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Trong vòng 10 năm, chiến đấu khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, xa tới tận Afghanistan và Pakistan ngày nay, Alexander đã đánh bại vua Ba Tư Darius III và giành lấy đế chế này cho riêng mình. Lãnh thổ của ông lúc đó kéo dài từ biển Adriatic đến sông Ấn và khi đó ông mới 30 tuổi.

Từ đây, ông tiếp tục tiến vào tiểu lục địa Ấn Độ, tới tỉnh Punjab của Pakistan ngày nay, nơi ông mở rộng thêm lãnh thổ, tiến sâu vào Ấn Độ hiện đại trước khi quân đội kiệt sức của ông nổi dậy phản đối. Họ rút lui, nhưng trên đường về, Alexander mắc một cơn sốt kéo dài hai tuần và qua đời tại Babylon.

Thi thể ông được đưa về Ai Cập và được cho là đã được an táng tại Alexandria, nơi ông được tôn thờ từ thời Cleopatra đến Julius Caesar, trước khi biến mất vào khoảng thế kỷ thứ V. Ngôi mộ của ông chưa bao giờ được tìm thấy.

Alexander qua đời mà chưa từng thua một trận chiến nào. Dù đế chế của ông nhanh chóng tan rã, nhưng trong nhiều thế kỷ, tiếng Hy Lạp vẫn là ngôn ngữ hành chính chính thức trong khu vực. Giáo sư Cartledge nói: “Đó là lý do vì sao tiếng Hy Lạp lan rộng khắp Trung Đông và vì sao Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp”.

Dù bị nhiều người Athens căm ghét vì họ tin vào dân chủ thay vì quân chủ hay đế chế và dù một số tín đồ Hỏa giáo (một tôn giáo độc thần cổ đại) vẫn xem ông là kẻ tà ác vì đã phá hủy các bản ghi chép cổ xưa của họ ở Persepolis, tức Iran ngày nay, nhưng kể từ khi qua đời, Alexander đã đạt đến vị thế gần như thần thánh.

Theo Giáo sư Cartledge, Alexander là một nhân vật đặc biệt. Cần phải có một cá tính phi thường để làm được những gì ông đã làm.

Di sản của Alexander không chỉ đơn thuần là một bài học lịch sử khô khan. Thực tế, câu chuyện về chàng trai trẻ từ Macedonia đã chinh phục những ranh giới xa nhất của thế giới đã thu hút sự quan tâm ngay từ đầu.

Trong thời kỳ La Mã, các nhà văn như Arrian và Plutarch đã viết tiểu sử về Alexander. Sau đó, “Tiểu thuyết Alexander”, được viết lần đầu tiên vào thế kỷ thứ III tại Alexandria (Ai Cập) trở nên vô cùng phổ biến. Tác phẩm này, về cơ bản là một tiểu thuyết dựa trên cuộc đời ông, đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ như tiếng Arab và tiếng Ba Tư cũng như mọi ngôn ngữ trên thế giới.

Năm 1010 sau Công nguyên, nhà thơ Ba Tư Firdawsi đã viết “Shahnamah” (Sách về các vị vua), trong đó mô tả Alexander với tên gọi Sikander, một người Ba Tư và là anh em cùng cha khác mẹ với Dara (hay còn gọi là Darius). Trong tác phẩm này, Alexander bảo vệ Hỏa giáo của Ba Tư. Cuốn sách này đã lan rộng khắp Trung Đông và Viễn Đông, thậm chí đến cả Indonesia.

Ngày nay, nhiều thành phố, từ Alexandria ở Ai Cập đến Kandahar ở Afghanistan, vẫn mang tên ông.

Giáo sư Cartledge nói: “Tôi nghĩ đó là sự kết hợp giữa độ tuổi của ông và khoảng cách phi thường mà ông đã đi qua. Ông tiến đến Afghanistan, Pakistan, thậm chí một phần Ấn Độ ngày nay. Ông không phải lúc nào cũng hành quân trong hòa bình, nhưng ông đã vượt qua mọi chướng ngại: núi cao, sông lớn, voi chiến, chiến xa gắn lưỡi hái. Bất cứ thử thách nào xuất hiện, ông đều vượt qua”.

một điều đặc biệt nữa là cách tiếp cận phụ nữ của Alexander rất khác biệt so với các nhà chinh phục cổ đại khác. Trong khi nhiều kẻ xâm lược thời đó coi việc cướp bóc và hiếp dâm là quyền lợi sau chiến thắng, Alexander chỉ chọn cách cướp bóc nhưng không xâm phạm phụ nữ.

Một câu chuyện đáng nhớ kể rằng, sau khi đánh bại Darius (người đã bỏ chạy) tại trận Issus, Alexander bắt giữ hoàng tộc Ba Tư, bao gồm vợ và mẹ của Darius. Thay vì biến họ thành nô lệ như thường thấy, ông đối xử với họ rất tôn trọng. Sisygambis, mẹ của Darius, thậm chí còn yêu quý Alexander như con trai thứ hai và được cho là đã qua đời vì đau buồn sau khi ông mất.

Với nhiều khách du lịch đi theo các chuyến đi lần theo dấu chân của Alexander, thì ông là người rất lôi cuốn.

Alexander đã gia nhập nhóm nhỏ những nhân vật huyền thoại có hình tượng thay đổi theo niềm tin và khát vọng của xã hội qua từng thời kỳ.

Theo thời gian, lịch sử liên tục thay đổi. Alexander được mô tả theo những cách hoàn toàn khác nhau tùy vào từng thời đại. Ông giống như một con người thời Phục Hưng mà mỗi người đều tự diễn giải theo cách riêng.

Giáo sư Cartledge cũng nhấn mạnh rằng Alexander là một bậc thầy tuyên truyền. Hơn 2.000 năm sau, thế giới vẫn chủ yếu tin vào câu chuyện từ góc nhìn của ông. Alexander thậm chí còn tự gắn mình với Achilles, anh hùng thần thoại trong sử thi Homer, qua đó tô điểm di sản của mình bằng những yếu tố lãng mạn.

Dù ngưỡng mộ Alexander, nhưng Giáo sư Cartledge cho rằng những cuộc tàn sát mà ông tiến hành, đặc biệt vào cuối chiến dịch, là vết nhơ thực sự đối với ký ức về ông. Tuy nhiên, ông nói: “Tôi vẫn vô cùng khâm phục Alexander. Ông ấy rất dũng cảm, có sức hút và những phẩm chất vĩ đại, nhưng cũng đã làm những điều thực sự khủng khiếp. Ông ấy là một nhân vật có một không hai”.

Kỳ cuối: Đánh giá khác về di sản

Thùy Dương/Báo Tin tức (CNN)
Alexander Đại đế - Người vẽ lại bản đồ thế giới: Kỳ cuối
Alexander Đại đế - Người vẽ lại bản đồ thế giới: Kỳ cuối

Dù được nhiều người đánh giá cao nhưng cũng có ý kiến trái chiều về Alexander Đại đế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN