Nơi đây là “chiến trường” giữa hai thương hiệu thể thao danh tiếng nhất thế giới: Adidas và Puma.
Hai công ty trên thù ghét nhau không phải vì muốn giành giật thị trường như các cặp “kỳ phùng địch thủ” Coca Cola với Pepsi hay Apple với Microsoft. Ngọn lửa hận thù ngùn ngụt cháy giữa Adidas và Puma hoàn toàn xuất phát từ chuyện nội bộ của một gia đình, thậm chí còn gây chia tách thị trấn Herzogenaurach trong suốt 60 năm.
“Sự chia rẽ giữa hai anh em nhà Dassler đối với thị trấn Herzogenaurach như thể việc xây một Bức tường Berlin bao quanh thủ đô nước Đức”, nhà báo địa phương Rolf-Herbert Peters cho hay. Có điều là Bức tường Berlin đã sụp đổ năm 1989 thì ngày nay khi khách lạ tới thăm Herzogenaurach vẫn sẽ cảm thấy không khí đối đầu giữa Adidas và Puma còn hiện hữu.
Tình anh em rạn nứt
Những năm 1920, hai anh em ruột Adolf Dassler (tên thường gọi là Adi) và Rudolph Dassler (tên thường gọi là Rudi) đã cùng mở công ty giày thể thao Anh em Dassler, kinh doanh bên ngoài căn phòng giặt là của gia đình tại thị trấn Herzogenaurach. Adi là một thợ thủ công tài năng, trầm tính, chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất giày. Còn người em Rudi lại là một tay bán hàng năng nổ. Hai anh em nhà Dassler đã tạo nên một cặp bài trùng ăn ý giúp công việc kinh doanh tiến bước thuận lợi. Mặc dù cả hai đã gia nhập đảng phát xít khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, nhưng điều này vẫn không ngăn cản các ngôi sao trên thế giới chọn lựa giày thể thao của họ. Việc huyền thoại điền kinh người Mỹ gốc Phi Jesse Owens đi giày của họ trong kỳ thi đấu Olympics 1936 và giành bốn huy chương vàng đã khiến sản phẩm giày của anh em nhà Dassler được cả thế giới biết tới. Doanh thu của họ kể từ đó đã bùng nổ thực sự.
Anh em Adolf (bên trái) và Rudolph Dassler. |
Thế nhưng, đúng lúc công việc kinh doanh đang trên thời kỳ đỉnh cao thì giữa anh em họ đã xuất hiện những vết rạn nứt khó dung hòa. Người dân thị trấn tin rằng lý do khiến Adi và Rudi từ mặt nhau là do hai bà vợ không hòa hợp. Cũng có người lại cho rằng Rudi đã quan hệ vụng trộm với Kathe, vợ của anh trai, và điều này khiến Adi không thể nào tha thứ.
Người ta còn đồn rằng anh em họ thường xuyên tranh cãi nhau ai là người nhiệt huyết với đảng phát xít hơn, hay như ai mới là người thực sự phát minh ra đôi giày đinh đã giúp đội tuyển bóng đá quốc gia Đức bảo toàn ngôi vô địch World Cup trước đối thủ Hungary năm 1954. Trong một lần quân Đồng minh ném bom để tiêu diệt quân phát xít tại thị trấn Herzogenaurach, Adi và vợ đã nhảy xuống một hầm trú bom, nơi hai vợ chồng Rudi đã có mặt từ trước. “Những kẻ khốn kiếp, bẩn thỉu này đã quay trở lại”, Adi thốt lên tục tĩu về quân Đồng minh nhưng Rudi lại tin rằng anh trai đã ám chỉ tới ông và gia đình mình. Mối xích mích giữa Adi và Rudi trong thời gian sau đó đã trở nên không thể cứu vãn được nữa.
Khi Rudi bị gọi nhập ngũ, ông nghi ngờ đây chính là kế hoạch của anh trai mình, muốn tống khứ ông ra chiến trường để tiện đường làm ăn. Tiếp đến, lần Rudi bị phạt vì bỏ gác và lần bị quân Đồng minh bắt giữ vì tình nghi làm việc trong cơ quan tình báo của phát xít Đức Gestapo, ông đều tin rằng Adi đã nhúng tay vào. Nghi vấn của Rudi đã được một quan chức điều tra Mỹ xác nhận lại. Trong thời gian Rudi phải ngồi trại tù nhân chiến tranh thì Adi đã gây dựng lại chuyện kinh doanh, bắt đầu bán giày cho lính Mỹ sang Đức tham chiến.
Năm 1948, khi Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc, anh em nhà Dassler chính thức giải thể công ty sau 25 năm làm ăn chung. Họ chia đôi toàn bộ tài sản cùng với đội ngũ công nhân. Adi lập công ty riêng có tên Adidas, ghép từ tên và họ của mình. Còn Rudi lập ra Ruda nhưng cuối cùng đã đổi thành Puma (loài báo sư tử) để nghe oai vệ hơn. Hai trụ sở mới này nằm đối diện nhau, chỉ cách nhau dòng sông Aurach.
Thương trường rực lửa
Mối hận thù giữa hai em Dassler không chỉ chia rẽ gia đình họ mà còn khiến cả thị trấn bị tách đôi làm hai phe. Gần như toàn bộ cư dân Herzogenaurach đều làm trong nhà máy giày Adidas hoặc Puma nên cũng mang tư tưởng ghen ghét nhau. Các quán rượu, quầy thịt, thậm chí đến người khắc bia mộ cũng chia làm hai phe đối địch. Họ cũng đặt ra những điều lệ kỳ cục: nếu bạn làm việc cho Puma, bạn không được nói chuyện với người của công ty Adidas hay như nếu gia đình bạn làm việc tại Adidas, bạn không được phép kết hôn với người làm cho Puma… Herzogenaurach vì thế mà còn có tên gọi “thị trấn cổ cong” khi người dân phải nhìn đôi giày mà một người đang đi để xem nó thuộc hãng nào để quyết định có nói chuyện với người đó hay không.
Mối thù ghét giữa hai công ty Adidas và Puma được kết thúc bằng một trận đấu bóng. |
Sau khi quyết định đường ai nấy đi, hai người đàn ông muốn sản phẩm của họ phải thật khác biệt. Adi quyết định khâu ba đường sọc thẳng lên giày khiến sản phẩm Adidas được cứng cáp hơn, trong khi Rudi lại chọn biểu tượng con báo đang nhảy vọt lên cho Puma. Rudi có đội nhân viên bán hàng tài năng và có chiến lược quảng cáo sản phẩm tốt hơn thì Adi lại nắm trong tay kỹ thuật đóng giày và có quan hệ thân thiết với các vận động viên. Thực tế thì Adi đã chiến thắng với công ty riêng có quy mô lớn hơn Puma nhiều lần. Adidas có 39.000 nhân viên trong khi Puma chỉ có số lẻ 9.000 người.
Tuy nhiên, bởi vì quá bận tâm vào việc kèn cựa lẫn nhau nên cả Adidas và Puma đã bỏ quên mối đe dọa từ Hãng Nike của Mỹ, đang vươn lên thống trị thị trường giày thể thao.
Anh em nhà Dassler lần lượt qua đời trong thập niên 1970. Họ được chôn tại cùng nghĩa trang nhưng ở tận hai đầu khuôn viên cách xa nhau. Có tin đồn cho rằng, sáu tháng trước khi ông Rudi qua đời năm 1974, hai anh em đã bí mật gặp nhau một lần, nhưng cuộc gặp bị giấu kín vì không muốn làm ảnh hưởng tới chuyện kinh doanh. Mối hận thù giữa Adi và Rudi vẫn được con cháu “thừa kế” mãi cho tới năm 2009. Năm đó, các công nhân của hai công ty đã nhất trí chấm dứt mối thù hằn kéo dài sáu thập kỷ bằng cách thi đấu một trận bóng hữu nghị.