5. Tượng Nữ hoàng Nefertiti, Ai Cập
Bất chấp những nỗ lực của Ai Cập nhằm giành lại hơn 5.000 tác phẩm nghệ thuật đang nằm rải rác quanh thế giới, Tổ chức di sản văn hóa Phổ của Đức đã từ chối yêu cầu hoàn trả bức tượng Nữ hoàng Nefertiti 3.400 năm tuổi. Bức tượng này được xem là ngôi sao sáng trong bộ sưu tập cổ vật Ai Cập tại Bảo tàng Neues ở thủ đô Berlin, thu hút hơn 1 triệu lượt người tới tham quan mỗi năm.
“Quan điểm của tổ chức về vấn đề hoàn trả bức tượng Nữ hoàng Nefertiti là không thay đổi. Bức tượng là đại sứ và vẫn sẽ là đại sứ của Ai Cập tại Berlin”, Giáo sư Hermann Parzinger, Giám đốc của Tổ chức di sản văn hóa Phổ nói.
Bức tượng Nữ hoàng Nefertiti được nhà khảo cổ học người Đức Ludwig Borchardt phát hiện vào năm 1912 và được mang về Đức một năm sau đó. Đức kiên quyết bác bỏ yêu cầu hoàn trả bức tượng của Đức, đồng thời tuyên bố rằng bức tượng quá mong manh nên không thể trải qua hành trình dài về quê nhà.
6. Lão đánh cá quê ở Aphrodisias, Thổ Nhĩ Kỳ
Bức tượng bằng đá cẩm thạch hơn 2.000 năm tuổi có tên “Lão đánh cá quê ở Aphrodisias”, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Pergamon ở thủ đô Berlin, Đức. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu hoàn trả bức tượng này, nhưng chính quyền Đức đến giờ vẫn từ chối thực hiện.
“Các tác phẩm nghệ thuật, giống như con người, loài vật hay cây cỏ, cũng có linh hồn và những kí ức lịch sử. Khi chúng được mang trả về quê hương, sự cân bằng của tự nhiên sẽ được khôi phục”, Bộ trưởng văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ Ertugrul Gunay nói. Ông là người tham gia phong trào yêu cầu hoàn trả các cổ vật của Thổ Nhĩ Kỳ từ một vài trong số những bảo tàng lớn nhất trên thế giới bao gồm bảo tàng Met (Mỹ), Louvre (Pháp) và Pergamon (Đức).
“Bức tượng này đến đây vào năm 1904 trong bộ sưu tập đồ cổ. Nó được mua từ một khu chợ nghệ thuật, hoàn toàn hợp pháp và chúng tôi có thể chứng minh điều này. Chúng tôi không thấy có lý do gì khiến phải xem xét việc hoàn trả nó”, Giám đốc của Tổ chức di sản văn hóa Phổ, ông Hermann, nói.
7. Kho báu Sion, Thổ Nhĩ Kỳ
Những vật dụng bằng bạc dùng trong các nghi lễ của người Byzantine ở thế kỉ thứ 6 cùng các đồ vật trang trí khác, được biết đến dưới cái tên Kho báu Sion, nằm trong số những tác phẩm nghệ thuật mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách lấy lại từ Viện nghiên cứu Dumberton Oaks (thuộc Đại học Harvard ở thủ đô Washington của Mỹ).
Theo một số nguồn tin, Kho báu Sion được tìm thấy trong một khu mộ cổ trên đồi tại Kumulca, Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1960. Năm 1966, Kho báu Sion được Dumberton Oaks mua lại từ một nhà sưu tập. Người này trước đó đã mua các cổ vật từ George Zakos, một nhà buôn bán đồ cổ chợ đen.
Từ năm 1968, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật này để hoàn chỉnh bộ kho báu được trưng bày tại một bảo tàng ở Antalya.
8. Những tác phẩm nghệ thuật của người Do Thái, Iraq
Học giả Harold Rhode đã tìm thấy hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật cổ bị hư hại ít nhiều của cộng đồng người Do Thái tại Iraq trong một tầng hầm ngập nước ở thủ đô Baghdad năm 2003.
Ông Rhode đã phát động một chiến dịch ngăn cản việc trao trả các hiện vật này cho chính quyền Iraq. Chiến dịch nhận được sự ủng hộ của các nhóm người người Mỹ gốc Do Thái. Họ lập luận rằng những thứ được tìm thấy thuộc về người Iraq gốc Do Thái chứ không phải chính phủ Iraq.
9. Báu vật Tử Cấm Thành, Trung Quốc
Các phương tiện truyền thông đại chúng Trung Quốc gần đây đã yêu cầu hoàn trả 23.000 tác phẩm nghệ thuật vô giá bị đánh cắp khỏi Bắc Kinh trong thế kỉ 19 và hiện đang nằm tại Bảo tàng Anh.
Anh, một trong 8 quốc gia thuộc phe Đồng minh, đã tiến vào Tử Cấm Thành và phá hủy Cung điện Mùa Hè ở thủ đô Bắc Kinh năm 1860.
Trước những yêu cầu hoàn trả, Anh tiếp tục phản đối trong khi Bảo tàng Anh tranh luận những vật báu này “là những di sản thế giới và công chúng có điều kiện tiếp cận các cổ vật này dễ hơn khi tới tham quan London”.
Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho rằng: “Những câu hỏi liên quan đến cổ vật của Trung Quốc trong các bộ sưu tập của bảo tàng sẽ được các cá nhân và tổ chức quản lý bộ sưu tập này hồi đáp, và chính phủ không can thiệp vào chuyện này”.
Anh Minh (Theo PolicyMic)