Từ lâu, các bảo tàng ở Mỹ và châu Âu và các quốc gia “mẹ đẻ” của cổ vật giá trị đã vướng vào một cuộc tranh cãi quyền sở hữu dai dẳng, mà đến nay, cuộc chiến “trả hay không trả” không biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Tổng giá trị các cổ vật bán ra ở các chợ đen trên thế giới ước tính lên đến 6,3 tỉ USD/ năm (khoảng 126.000 tỉ đồng). Hành trình “lưu lạc tha hương” của hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử vô giá bắt đầu từ khi chúng bị thất lạc hay đánh cắp, được trao đi, bán lại và chuyền tay qua vô số địa chỉ, luồn lách qua rất nhiều biên giới để đến tay những người sưu tập cổ vật ở một khu chợ đen nào đó.
Chính vì hành trình rối rắm này, việc xác định quyền sở hữu cũng như hoàn trả một tác phẩm nghệ thuật nào đó đang được trưng bày ở bảo tàng nước ngoài về quê gốc là điều không hề đơn giản. Có người cho rằng phải tuân theo luật “người tìm thấy là người chiếm giữ”. Nhưng cũng không ít người khẳng định các báu vật vô giá, mang giá trị di sản văn hóa phải thuộc về quốc gia “mẹ đẻ” một khi các quốc gia này được chứng nhận có đủ nguồn lực cần thiết để bảo tồn và duy trì những cổ vật đó.
Sau đây là 9 cổ vật nổi tiếng thể giới đang ở trong tình trạng “tha hương”.
1. Cổng Ishtar, Iraq
Cổng Ishtar là cổng thứ tám dẫn vào trung tâm thành phố Babylon cổ đại và nằm ở phía bắc thành phố. Nó được xây dựng năm 575 trước CN theo lệnh của Vua Nebuchadnezzar II. Được các nhà khảo cổ học người Đức khai quật và mua lại ở nơi mà ngày nay là Iraq, cổng Ishtar là một trong nhiều tác phẩm nghệ thuật được đưa về các quốc gia phương Tây thời trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Năm 2002, các quan chức Iraq đã thúc giục Đức trả lại cổng Ishtar. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kế hoạch nào về việc trao trả cánh cổng này.
Trong tấm ảnh là hình ảnh của cậu sinh viên người Iraq Zeidoun Alkinani cầm tấm biển có dòng chữ “Thứ này thuộc về Iraq” khi đứng trước một phần của cổng Ishtar hiện được trưng bày ở bảo tàng Pergamon tại Berlin, Đức.
2. Bia đá Rosetta, Ai Cập
Được một sĩ quan người Pháp phát hiện ở Rosetta, Ai Cập, vào năm 1799, bia đá bazan 2.200 năm tuổi này là một tác phẩm nổi tiếng, được khắc bằng ba ngôn ngữ tượng hình, Demotic và Hy Lạp. Nhiều người cho rằng bia đá Rosetta là chìa khóa giải mã chữ tượng hình và quá khứ của Ai Cập.
Bia đá Rosetta được người Anh mua lại khi đánh thắng người Pháp vào năm 1801 và nó được chuyển đến Bảo tàng Anh ở London vào năm 1802. Mặc dù Ai Cập tiếp tục đòi lại bia đá Rosetta, Bảo tàng Anh nhất quyết không trả lại.
3. Bộ tượng cẩm thạch Elgin, Hy Lạp
Bộ sưu tập các bức tượng cổ bằng đá cẩm thạch của Hy Lạp, còn được gọi là bộ tượng Parthenon, từ lâu đã là nguyên nhân “hục hặc” giữa Hy Lạp và Bảo tàng Anh. Một phần bộ tượng vô giá này đã được Huân tước người Anh Elgi, khi đó là đại sứ tại Đế chế Ottoman, đưa ra khỏi Athens vào đầu thế kỉ 19. Kể từ năm 1816 đến nay, một phần bộ tượng Parthenon là tài sản của Bảo tàng Anh.
Nhằm thuyết phục Bảo tàng Anh trả lại các bức tượng, một thành viên Hy Lạp trong Nghị viện châu Âu, ông Rodi Kratssta, nói: “Chúng là biểu trưng của văn hóa Hy Lạp và châu Âu... Việc bộ tượng bị xé lẻ ở nhiều nơi sẽ ảnh hưởng tới các di sản chung châu Âu của chúng tôi cũng như nhận thức về nó trên toàn thế giới”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron cho đến bây giờ vẫn phản đối yêu cầu hoàn trả các bức tượng, cho rằng các bức tượng là một phần quan trọng trong số các tác phẩm được trưng bày của bảo tàng.
Cuộc tranh cãi gay gắt đến mức UNESCO thậm chí đã phải can thiệp và yêu cầu hai quốc gia cùng hợp tác để giải quyết cuộc tranh chấp kéo dài.
4. Viên kim cương Koh - i - Noor, Ấn Độ
Có ý nghĩa là “ngọn núi của ánh sáng” trong tiếng Urdu, Koh - i - Noor là một trong những viên kim cương lớn nhất trên thế giới, nặng 105 cara. Viên kim cương này bị công ty Đông Ấn của Đế chế Anh chiếm giữ làm một chiến lợi phẩm trong kỷ nguyên thuộc địa. “Ngọn núi của ánh sáng” đã được dâng lên Nữ hoàng Anh Victoria vào năm 1850. Sau đó, nó đã được đính lên vương miện của người mẹ quá cố của đương kim Nữ hoàng Elizabeth và hiện được trưng bày trong Tháp London.
Bất chấp những yêu cầu của Ấn Độ về việc hoàn trả “để đền bù cho thời kỳ đô hộ của nước Anh”, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định viên kim cương sẽ không được hoàn trả. Ông nói: “Tôi chắc chắn không tin vào ‘chủ nghĩa hoàn trả’... Tôi không nghĩ điều đó là tỉnh táo. Vấn đề này cũng giống như bộ tượng cẩm thạch Elgin và tất cả những thứ khác”.
(còn nữa)
Anh Minh (Theo PolicyMic)