Ngày 15/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên dùng quyền phủ quyết của mình kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nhằm bảo vệ quan điểm mở cửa biên giới sẽ làm tăng tỷ lệ tội phạm, ma túy và buôn lậu vào quốc gia này.
Lần phủ quyết đầu tiên của Tổng thống Trump đã gây ra một làn sóng giận dữ tại Quốc hội sau khi ông tuyên bố sẽ không ký nghị quyết ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được Thượng viện Mỹ thông qua trước đó một ngày.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 26/3 nhằm vô hiệu hoá quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump. Để đảo ngược được quyền phủ quyết của Tổng thống Trump, lưỡng viện Quốc hội cần đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng rằng quyền phủ quyết của ông sẽ không bị đảo ngược.
Thực tế trong lịch sử nước Mỹ đã có nhiều trường hợp gây tranh cãi khi Tổng thống dùng quyền phủ quyết và bị Quốc hội đảo ngược quyền.
Tổng thống Nixon với chương trình chăm sóc trẻ em quốc gia
Năm 1971, Quốc hội thông qua Dự luật Phát triển Trẻ em Toàn diện. Tuy nhiên, Tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon đã dùng quyền phủ quyết của mình ngăn chặn dự luật thông qua, khi ông cho rằng một hệ thống chăm sóc trẻ em toàn quốc sẽ tạo ra "cách tiếp cận cộng đồng đối với việc nuôi dạy trẻ em".
Tổng thống Ford phản đối dự luật minh bạch chính phủ
Năm 1974, người kế nhiệm của Nixon, cựu Tổng thống Gerald Ford, đã có quyết định phủ quyết được cho là gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Tổng thống Ford tìm cách ngăn chặn một dự luật nhằm củng cố Đạo luật Tự do Thông tin. Được biết đến với tên gọi FOIA, dự luật lần đầu tiên được giới thiệu từ năm 1967 và quy định để người dân dễ dàng hơn trong việc nắm bắt thông tin của chính quyền. Bất chấp sự phản đối muốn giữ bí mật của chính phủ, Quốc hội đã đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Ford và nâng câp FOIA thành luật.
Tổng thống Reagan với Đạo luật chống phân biệt chủng tộc toàn diện
Năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan phủ quyết Đạo luật Chống phân biệt chủng tộc Toàn diện – một đạo luật đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ ủng hộ phân biệt chủng tộc của Nam Phi. Tổng thống Reagan tuyên bố đạo luật này sẽ gây ra một “cuộc chiến kinh tế”. Tuy nhiên, lập luận này đã không thuyết phục được các nhà lập pháp. Quốc hội đã đảo ngược quyền phủ quyết và áp đặt các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Bill Clinton bảo vệ phá thai ở thai kỳ chót
Cuộc tranh luận không có hồi kết về việc nạo phá thai bùng phát vào năm 1996, khi Tổng thống Bill Clinton phủ quyết một dự luật trong đó có nội dung cấm bác sĩ thực hiện thủ thuật “nạo phá thai ở thai kỳ chót”. Ông đưa ra lý lẽ thủ thuật này có thể cứu sống thai phụ gặp nguy hiểm tính mạng khi mang bầu. Tuy nhiên, quyền phủ quyết đã gây ra một sự phẫn nộ trong những nghị sĩ bảo thủ.
Tổng thống Obama tìm cách gạt bỏ vụ kiện 11/9 nhằm vào Saudi Arabia
Tổng thống Barack Obama cũng từng đứng sau một trong những lần phủ quyết kỳ lạ nhất trong lịch sử. Năm 2016, Tổng thống Obama phủ quyết một dự luật cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 kiện Chính phủ Saudi Arabia vì nghi ngờ “đồng lõa” trong vụ tấn công. Tổng thống Obama cho rằng dự luật đó có thể tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, song các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa tại cả Thượng viện và Hạ viện đều phớt lờ mối lo ngại và đảo ngược quyền phủ quyết.