Cách đây tròn 100 năm, ngày 15/8/1914, kênh đào Panama, con kênh giữ vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đã chính thức được đưa vào sử dụng. Trong suốt 100 năm qua, cũng chính vì vị trí chiến lược của mình mà kênh đào Panama đã có một lịch sử đầy những biến cố thăng trầm.Thời điểm con tàu SS Ancon giong buồm qua eo biển Panama vào ngày 15/8/1914, đã đánh dấu bước khởi đầu về sự biến đổi lục địa châu Mỹ và sự ra đời một con đường biển quan trọng của thế giới. Sử gia người Mỹ David McCullough đã nói rằng: Việc xây dựng kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có ý nghĩa hơn việc tạo ra một kỳ công to lớn chưa từng có của ngành xây dựng.
Tàu chở hàng đi qua kênh đào Panama, ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong quyển sách của mình nói về kênh đào, ông có viết: Việc xây dựng kênh đào có tầm quan trọng lịch sử to lớn, nó giống như tầm quan trọng của một cuộc chiến, và nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người, không phân biệt đẳng cấp, thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch khác nhau.
* Lịch sử thăng trầmÝ tưởng đầu tiên của việc xây dựng một con kênh đào đã có từ đầu thế kỷ XVI, khi Charles đệ ngũ, Hoàng đế của La Mã và là vua của Tây Ban Nha, trong một nỗ lực tìm kiếm con đường thông giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương đã phát hiện ra vị trí độc đáo và lợi ích to lớn của vùng đất này. Ông ra lệnh cho thống đốc Panama khảo sát đoạn hẹp nhất của eo đất này để xây dựng kênh đào. Nhưng một công trình như vậy vượt quá khả năng của thời đó.
Phải đến hơn 300 năm sau, năm 1879, Bá tước Ferdinand de Lesseps sau khi hoàn thành kênh đào Suez ở Địa Trung Hải đã thành lập công ty Compagnie Universelle du Canal Interocéanique de Panama để xây dựng kênh đào có độ sâu bằng mực nước hai bờ đại dương ở Panama.
Năm 1880, Ferdinand de Lesseps khởi công công trình. Nhưng kinh nghiệm và sự tài giỏi của các kỹ sư Pháp được thử thách ở kênh đào Suez đã không giúp họ vượt qua được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Panama. Bệnh tật và sự yếu kém trong điều hành dự án đã khiến cho công ty phá sản vào năm 1889.
Năm 1894, người Pháp lại thành lập công ty Compagnie Nouvelle du Canal de Panama để tiếp tục xây xây dựng kênh đào. Nhưng mọi nỗ lực cũng thất bại do thiếu kinh phí và các đại diện công ty đã phải bán dự án cùng trang thiết bị cho người Mỹ.
Năm 1904, Mỹ mua quyền sở hữu công ty kênh đào Panama của Pháp với giá 40 triệu USD. Nhưng trước đó, vào năm 1903, sau khi Panama tuyên bố độc lập khỏi Colombia, nước này đã ký với Mỹ Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, theo đó Mỹ đảm nhận việc xây dựng kênh đào. Công trình được xây dựng sau 10 năm với sự tham gia của 75.000 nhân công từ 50 nước với chi phí 400 triệu USD.
Ngày 7/1/1914, tàu Alexander La Valley trở thành con tàu đầu tiên đi qua kênh đào, nhưng lễ khánh thành chính thức được tiến hành ngày 15/8/1914 với chuyến đi của tàu SS Ancon. Năm 1977, Tổng thống Panama Omar Torrijos và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký Hiệp ước Torrijos-Carter về việc trao trả kênh đào cho Panama.
Ngày 31/12/1999, Panama tiếp quản kênh đào và khôi phục chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
* Kênh đào Panama - công trình thế kỷ
Để xây dựng kênh đào Panama, người ta đã phải đào và di chuyển 152,9 triệu m3 đất đá. Nếu vận chuyển khối lượng đất đá này trên tàu hỏa thì đoàn tàu sẽ phải dài gấp bốn lần chu vi của Trái đất và có thể dựng nên một bức tường như Vạn Lý Trường Thành.
Kênh đào sử dụng một hệ thống âu tàu và cửa nước, phân chia theo đường vào và đường ra. Các âu tàu và cửa nước hoạt động như những thang máy: tàu thuyền được lên từ mực nước biển (phía Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương) cho đến khi bằng mực nước hồ Gatun (cao 26 mét so với mực nước biển).
Bằng cách này tàu có thể tiếp tục đi qua hồ Gatun và được hạ xuống tới mực nước biển ở hệ thống âu tàu phía đầu bên kia của kênh đào và đi ra biển. Các ngăn âu tàu rộng 33,53 m và dài 304,8 m. Hiện nay, kích thước lớn nhất của các tàu có thể qua kênh đào là: chiều rộng 32,3 m, mớn nước 12 m nước ngọt, chiều dài 294,1 m.
Sự ra đời của kênh đào Panama được coi là một cuộc cách mạng trong giao thông đường biển của thế giới. Nhờ có “công trình thế kỷ” này, tàu chở hàng không phải đi qua Nam Mỹ và mũi Kap Horn nguy hiểm, rút ngắn đường đi giữa hai đại dương. Trước năm 1914, muốn đi từ bờ đông sang bờ tây nước Mỹ, người ta phải vòng vèo qua Kap Horn trên một hải trình 26.000 km đầy hiểm nguy. Quãng đường từ New York đi San Francisco nhờ con kênh dài 80 km này đã được rút ngắn khoảng 10.000 km.
Mặc dù đã được nâng cấp rất nhiều lần, nhưng kênh đào Panama vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải biển ngày càng tăng. Chính vì vậy, ngày 3/9/2007, Panama đã tiến hành khởi công dự án trị giá 5 tỷ đô la Mỹ để mở rộng kênh đào Panama. Đây là dự án nâng cấp, mở rộng quy mô lớn nhất kể từ khi con kênh đào này được đưa vào sử dụng.
Ngày 19/10/2011, dự án này đã hoàn thành giai đoạn 1 với chiều dài 1,6km, rộng 218m, cao 9,14m so với mực nước biển và được xem là lối vào của đoạn kênh mở rộng. Phần còn lại của đoạn kênh mở rộng dài 6,1km. Theo dự đoán, khi công việc mở rộng kênh đào Panama hoàn tất vào năm 2015, lưu lượng tàu bè qua con kênh này sẽ tăng gấp đôi và có thể tiếp nhận những con tàu biển khổng lồ, được dự đoán là sẽ chiếm ưu thế hoàn toàn trong vận tải biển của thế giới trong vòng 25 năm tới.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN