Tạp chí " The Diplomat" số ra mới đây đã đăng bài viết "Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân đầu tiên" của tác giả Benjamin David Baker.
Tàu ngầm hạt nhân Type 094. |
Theo bài báo, trong Chiến tranh Lạnh trước đây, phương pháp răn đe hạt nhân được xem là phương pháp hiệu quả để giữ cho căng thẳng giữa khối Hiệp ước Warsaw và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không bùng nổ thành chiến tranh.
Mặc dù phần lớn những lời bàn tán xung quanh học thuyết “đảm bảo tiêu hủy lẫn nhau”(MAD) đã biến mất cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng một số quốc gia vẫn giữ kho vũ khí hạt nhân khá lớn để ngăn cản những quốc gia khác tấn công họ.
Một phần quan trọng của phương pháp răn đe hạt nhân là phát triển "bộ ba hạt nhân". Bộ ba này gồm có năng lực hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển. Khả năng tấn công thứ hai tức là hạt nhân trên không được sử dụng trong trường hợp đối thủ tấn công phủ đầu.
Tàu ngầm và các phương tiện phóng cỡ nhỏ, di động trên đất được trang bị hạt nhân đạn đạo và đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) là hai thành tố quan trọng trong cuộc tấn công hạt nhân trên không, vì chúng rất khó phát hiện và khó phá hủy.
Trung Quốc gần đây đã đạt được một số mốc quan trọng liên quan đến những năng lực hạt nhân này. Theo IHS Jane’s, các quan chức quân sự của Mỹ đã xác nhận rằng Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một tàu ngầm năng lượng hạt nhân đạn đạo Type-094 lớp Jin nhằm mục đích răn đe hạt nhân.
Nếu nhận định này đúng thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một tàu ngầm hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Do quân đội Trung Quốc luôn giữ bí mật các thông tin nên vẫn chưa thể xác nhận liệu chiếc tàu ngầm này có thực sự trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay không.
Đô đốc bốn sao của Mỹ, Tướng Cecil Haney nhận định: "Trung Quốc có thể cài đặt tên lửa trong các cuộc tuần tra chiến lược của họ. Nếu có, đây sẽ là một bước tiến mới trong chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh".
Giới báo chí cho biết đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc không được gắn lên tên lửa trong thời bình. Nguyên do là Trung Quốc muốn chứng minh họ không là phải là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột và sẽ chỉ sử dụng chúng để trả đũa cho các cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù.
Một lý do khác khiến đầu đạn hạt nhân được lưu giữ riêng biệt là do nhu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong kiểm soát chính trị đối với tài sản quân sự chiến lược. Tách đầu đạn của các tên lửa cho phép kiểm soát kho vũ khí hạt nhân ước tính khoảng 300 đầu đạn hạt nhân hiện nay.
Chính phủ Trung Quốc lo ngại người điều khiển tàu ngầm sẽ triển khai tên lửa hạt nhân và những kẻ chống đối trong quân đội có thể bỏ qua lệnh của chỉ huy rồi tự tổ chức tấn công hạt nhân. Mặc dù, việc giữ các đầu đạn hạt nhân và tên lửa tách riêng nhau trên một tàu ngầm tuần tra răn đe hạt nhân có vẻ không hợp lý nhưng việc này cũng cho thấy Trung Quốc đã tin tưởng lực lượng hải quân của mình hơn.
Đặc biệt, gần đây Trung Quốc cũng thử nghiệm một hệ thống tên lửa liên lục địa (ICBM) trên bộ. Theo tờ Washington Free Beacon, Quân đoàn pháo binh số 2 đã phóng thành công tên lửa tầm xa DF-41 ngày 4/12 vừa qua. Các chuyến bay thử nghiệm mới nhất đã chứng minh Trung Quốc đã sử dụng các đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập MIRV.
Các vệ tinh đã theo dõi thấy các vụ phóng tên lửa và đầu đạn giả tới một khu vực ở phía Tây Trung Quốc. Đây là cuộc thử nghiệm DF-41 thứ hai trong năm nay và là lần thứ 5 kể từ năm 2012. Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá DF-41 có thể mang 3-10 đầu đạn. DF-41 được cho là có tầm bắn từ 12.000- 15.000km, có thể bao trùm nước Mỹ và phần lớn lãnh thổ Nga.
Theo báo cáo của Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ- Trung, DF-41 có thể đã được triển khai trong năm nay, nhưng các chuyên gia quân sự độc lập Mỹ cho rằng nhiều khả năng DF-41 sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018-2020.
Theo tạp chí National Interest (Mỹ), có rất nhiều lý do để lo ngại về tốc độ phát triển hạt nhân của Trung Quốc hiện nay. Trong khi chuyến tuần tra của tàu ngầm hạt nhân lớp JIN nhằm "răn đe" các quốc gia ven biển có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ, Mỹ thì tên lửa DF-41 với các đầu đạn MIRV sẽ mang lại rắc rối lớn cho Nga.
Mặc dù đang nỗ lực hiện đại hóa lực lượng quân sự thông thường nhưng Moskva vẫn phải phụ thuộc vào kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình để răn đe, ngăn cản NATO và Trung Quốc xâm phạm an ninh và lợi ích của Nga.