Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng bay qua khu vực phía Bắc Nhật Bản đã chứng tỏ các hạn chế về khả năng sẵn sàng của Tokyo để đối phó với các vụ phóng hết sức khó lường như vậy. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã không có hành động nào để chặn tên lửa.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết quyết định không bắn hạ đã được đưa ra vì dữ liệu radar loại trừ khả năng tên lửa rơi xuống Nhật Bản.
Bất chấp sự đảm bảo từ giới lãnh đạo, Tướng Hiroaki Maehara, Tư lệnh phòng không Nhật Bản phụ trách các chiến dịch phòng thủ tên lửa, lại thừa nhận thời điểm diễn ra vụ phóng “hoàn toàn gây bất ngờ”.
Nhật Bản có hơn 30 hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không PAC-3 được triển khai trên khắp cả nước, mỗi hệ thống có phạm vi bao phủ hàng chục km. Trong khi chính phủ lên kế hoạch ra mắt hệ thống đánh chặn có khả năng bao phủ gấp đôi thì hệ thống hiện tại không đủ để bảo vệ toàn bộ khu vực lục địa Nhật Bản, và SDF đã điều chỉnh các vị trí của hệ thống phòng thủ để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ khi tên lửa rơi xuống vì lí do trục trặc hoặc vì các lí do khác.
Sau khi Triều Tiên hồi đầu tháng này tuyên bố nước này đang cân nhắc phóng thử các tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản, hướng tới vùng biển gần đảo Guam của Mỹ ngoài khơi Thái Bình Dương, một số đơn vị PAC-3 đã được chuyển tới 4 khu vực ở phía Tây Nhật Bản dọc theo quỹ đạo bay của tên lửa. Tuy nhiên, tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 29/8 lại đi theo hướng hoàn toàn khác, đi qua mũi Erimo của đảo cực Bắc Hokkaido và rơi xuống biển cách mũi này 1.180 km về phía Đông.
Tại căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở ngoại ô Tokyo, nơi mà lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản (ASDF) thực hành việc triển khai hệ thống PAC-3, Bộ trưởng Quốc phòng Maehara nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố trí các hệ thống phòng thủ gần các khu vực tên lửa có thể rơi, cho rằng “PAC-3 cần được triển khai ở đúng vị trí và đúng thời điểm”.
Tại Hokkaido, hiện chỉ có duy nhất một nhóm phòng thủ tên lửa bố trí ở căn cứ Chitose của ASDF, cách mũi Erimo 160 km. Dường như không đủ thời gian để đưa vào các đơn vị phòng thủ khác.
Trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục phóng thử các tên lửa đạn đạo, nhiều tên lửa trong số đó rơi xuống vùng biển Nhật Bản, Bộ Quốc phòng nước này đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, trong đó có việc lên kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ Aegis, được biết tới với tên gọi Aegis Ashore.
Hệ thống này sử dụng các thành tố tương tự như thành tố của hệ thống Aegis bố trí trên tàu khu trục Nhật Bản, song hệ thống trên bộ được dự đoán sẽ giảm thiểu khối lượng công việc của các thành viên SDF trong các chiến dịch đánh chặn tên lửa do sẽ được triển khai lâu dài trên bộ. Bộ Quốc phòng cũng có kế hoạch nâng gấp đôi số lượng tàu triển khai Aegis lên 8 tàu, song thời hạn phải tới năm 2021.
Bộ này cũng lo ngại Triều Tiên có khả năng tiến hành một vụ tấn công bất ngờ, sử dụng các bệ phóng di động và chọn thời điểm ban đêm để bắn tên lửa.
Trong khi đó, một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định thực tế việc Triều Tiên phóng tên lửa hôm 29/8 từ một vị trí chưa từng được sử dụng trước đây – Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng - có thể là dấu hiệu cho thấy nước này đang thử khả năng tiến hành một cuộc tấn công lén lút. Còn một quan chức khác cho hay: “Bất kể việc chúng ta tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh đến cỡ nào thì vẫn sẽ có lỗ hổng. Mối đe dọa sẽ không chấm dứt”.