Một sĩ quan điều khiển máy in điện báo của đường dây nóng Mỹ-Nga trong thập niên 60. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Tuy nhiên, kênh liên lạc này thực tế không phải là một chiếc điện thoại như hình ảnh xuất hiện trên các bộ phim phổ biến. Hệ thống trên bao gồm các máy in điện báo, máy fax, máy tính được bảo mật an ninh và truyền tải các tin nhắn văn bản đã được mã hóa gửi qua lại giữa Điện Kremlin và Lầu Năm Góc.
Mặc dù không được sử dụng thường xuyên nhưng nó vẫn giữ một tầm quan trọng rõ rệt: tránh xảy ra chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Barack Obama đã dùng hệ thống này để cảnh cáo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về nghi vấn tin tặc nước này phá hoại cuộc bầu cử Mỹ.
Ông Obama đã gửi thông điệp của mình qua thư điện tử, thông qua kết nối vệ tinh được đảm bảo an ninh, khác xa với hệ thống điện tín truyền dây cách đây nửa thế kỷ.
Đường dây nóng Washington-Moskva được lập ra vào năm 1963, sau khi Mỹ và Liên Xô tiến sát tới bờ vực chiến tranh hạt nhân khi xảy ra cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba.
Các phiên dịch viên quân sự hai nước đã điều khiển một hệ thống máy in điện báo và máy địa báo để chuyển thông điệp của các tổng tư lệnh qua đường dây cáp nằm dưới đáy Thái Bình Dương. Trạm liên lạc của Mỹ đặt tại Lầu Năm Góc.
Tin nhắn thử nghiệm đầu tiên Washington gửi cho Moskva là vào ngày 30/8/1963 với nội dung: “Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng con chó lười biếng 1234567890".
Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng “Điện thoại Đỏ” được cho là ông Lyndon Johnson. Ông đã liên lạc với nhà lãnh đạo Liên Xô Alexei Kosygin về Cuộc chiến Sáu ngày ở Trung Đông. Tổng thống Richard Nixon cũng dùng tới kênh liên lạc này 4 năm sau đó để trao đổi về tình hình căng thẳng giữa hai nước láng giềng Ấn Độ - Pakistan với nhà lãnh đạo Leonid Brezhnev. Lần dùng “Điện thoại Đỏ” thứ hai của ông Nixon là vào năm 1973 trước bối cảnh Trung Đông nổ ra một cuộc chiến tranh gay gắt khác.
Sau nhiều năm, những hệ thống liên lạc này đã được nâng cấp bằng các công nghệ tiên tiến như: vệ tinh, máy fax, máy tính, thư điện tử. Điểm mấu chốt của hình thức liên lạc này là trao đổi thông tin nhanh chóng, nhưng không bao giờ được nói bằng lời để tránh việc bị hiểu sai lệch ý nghĩa.
Sự chấm hết của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã làm giảm tính cấp bách về sự tồn tại của kênh liên lạc trực tiếp giữa hai nước Nga – Mỹ. Hệ thống này đã được nâng cấp rõ rệt dưới thời của Tổng thống Obama. Hiện nay, đội quản lý “Điện thoại Đỏ” ở cả hai nước đều kiểm tra hệ thống này hàng giờ.