Quan hệ NATO-Nga sẽ ra sao sau hội nghị Warsaw?

Kịch bản ác mộng là số lượng lớn các lực lượng vũ trang của Nga và NATO cùng diễn tập quân sự ở cự ly gần nhau, có thể dẫn đến các bên hiểu lầm và sẽ tiến hành tấn công trả đũa.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw, Ba Lan ngày 9/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Warsaw (Vacsava) đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo phương Tây nhất trí thiết lập một lực lượng răn đe cho khu vực Baltic. Tờ "The Wall Street Journal" ngày 10/7 có bài viết cho rằng giờ đây các sĩ quan quân đội NATO phải ngay lập tức phác thảo chi tiết các vấn đề về địa điểm, cách thức triển khai binh sĩ cũng như làm thế nào để tránh xa những tai nạn đầy nguy hiểm do tác chiến gần khu vực mà Nga đang gia tăng bố trí lực lượng. Các nhà lãnh đạo chính trị của NATO cũng sẽ phải giải thích những động thái của họ cho Nga. Các đại sứ của liên minh này dự kiến sẽ gặp Đại sứ Nga tại NATO, ông Alexander Grushko, vào ngày 13/7. Ông Grushko đã hứa sẽ nêu những câu hỏi hóc búa về hoạt động quân sự của liên minh này.

Theo bài viết, sau hội nghị, một loạt nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra đối với NATO, trong đó có cả xác định quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) tại vùng trung Địa Trung Hải, lên kế hoạch thành lập một hạm đội tại Biển Đen, xây dựng và bố trí lực lượng răn đe gồm tới 4.000 binh sĩ tại Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic.

Khu vực Baltic gần đây đã trở thành điểm xung đột tiềm tàng, với việc xảy ra một số vụ chạm trán ở cự ly gần giữa máy bay của Nga và các tàu chiến và máy bay của Mỹ. Các quan chức Mỹ nói rằng phi công Nga lái máy bay không an toàn và thiếu chuyên nghiệp trong khi phía Nga thông báo các lực lượng NATO đang tiến ngày một sát tới vùng Kaliningrad của họ.

Tướng Lục quân Mỹ Curtis Scaparrotti, tân Chỉ huy các lực lượng đồng minh tại châu Âu, đã được giao nhiệm vụ lên những kế hoạch quân sự mới cho lực lượng răn đe - đồng thời đề ra các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo là việc tăng cường triển khai quân bị của NATO không dẫn đến một cuộc đối đầu đầy nguy hiểm với Nga.

Mốc biên giới giữa khu vực Zerdziny, miền bắc Ba Lan với Litva và khu vực Kaliningrad của Nga ngày 3/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Một câu hỏi quan trọng cho vị tân Chỉ huy NATO là quản lý các lữ đoàn đa quốc gia như thế nào. Tướng Scaparrotti cho biết ông muốn thiết kế một cơ cấu chỉ huy có thể phản ứng nhanh trước mọi tình huống. Điều đó có nghĩa là các lữ đoàn đó vẫn nằm dưới sự chỉ huy của NATO song đồng thời phối hợp với các chỉ huy quân đội của Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia, những nước tiếp nhận các đơn vị này. Ông nói: "Cơ cấu chỉ huy phải đủ nhạy bén để quản lý từ các hoạt động diễn tập trong thời bình đến việc đối phó với những hành vi khiêu khích xung đột. Trong môi trường hiện nay, thời gian là nhân tố quan trọng".

Theo Tướng Scaparrotti, việc bố trí binh sĩ NATO sẽ được dựa trên các cuộc tham vấn với các nước Mỹ, Anh, Đức và Canada, những người cung cấp quân, và các quốc gia chủ nhà, nhằm đảm bảo rằng lực lượng NATO thích hợp với hệ thống phòng thủ nói chung của các quốc gia đó. Các cuộc tham vấn này sẽ sớm được xúc tiến.

Theo giới chức Mỹ, nước này sẽ đóng góp cho lực lượng NATO ở Ba Lan một lữ đoàn gồm 1.000 binh sĩ, có thể được lấy từ trung đoàn kỵ binh số 2 đang đặt tại Đức. Các quan chức Ba Lan muốn bố trí lực lượng này ở Suwalki Gap, dải đất biên giới của Ba Lan nằm giữa Kaliningrad và Belarus. Các quan chức NATO và Mỹ đã xác định Suwalki Gap là khu vực chiến lược thiết yếu cần phải được bảo vệ trong trường hợp gia tăng căng thẳng với Nga, song khu vực này cũng có thể bị các lực lượng tên lửa của Nga phong tỏa.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, người đã gặp gỡ các quan chức và chuyên gia quốc phòng bên lề hội nghị Warsaw, cho biết quan hệ giữa NATO và Moskva sẽ diễn biến như thế nào trong những tháng tới sẽ "phụ thuộc nhiều vào hành vi của Nga" và cả vào việc liệu ông Putin có hỗ trợ thực thi thỏa thuận hòa bình tại Ukraine hay không. Bà cho rằng do nước Nga gặp khó khăn kinh tế nên ông Putin đã làm leo thang căng thẳng với NATO. Tuy nhiên, bà Albright nói thêm rằng NATO sẽ nỗ lực đối thoại với Nga để tìm kiếm những lĩnh vực mà hai bên có thể cùng hợp tác.

Đối với một số quan chức Mỹ và đồng minh, kịch bản ác mộng là số lượng lớn các lực lượng bộ binh, không quân và hải quân của Nga và NATO cùng diễn tập quân sự ở cự ly gần nhau, điều này có thể dẫn đến các bên hiểu lầm các cuộc tập trận của nhau và sẽ tiến hành tấn công trả đũa. Những sự hiểu lầm như vậy đã xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và trong khi các nhà lãnh đạo NATO liên tục nhấn mạnh rằng không có chuyện quay lại giai đoạn lịch sử đó, song một số quan chức vẫn lo sợ nguy cơ xảy ra tai nạn dẫn đến xung đột.

Các quan chức cho rằng để ngăn chặn cơn ác mộng này, cần phải tiếp tục minh bạch mọi thứ với Nga. Tướng Scaparrott cho biết "giao tiếp là rất cần thiết, sẽ giúp chúng ta hiểu về ý đồ của nhau và điều quan trọng nhất là phải đảm bảo rằng chúng ta không có tính toán sai lầm hay vụ tai nạn nào tại những khu vực mà các lực lượng của chúng ta được bố trí rất gần quân Nga".

Quá trình minh bạch sẽ được bắt đầu bằng cuộc gặp với ông Grushko vào ngày 13/7 tới. Các quan chức Nga từ chối bình luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh NATO, song một nữ phát ngôn viên ngày 10/7 cho biết họ sẽ vẫn nghiên cứu các tuyên bố của liên minh này.

Ngoại trưởng Canada, ông Stéphane Dion sẽ thăm Latvia vào ngày 11/7 vì Canada chuẩn bị triển khai binh sĩ tới quốc gia này. Ông Dion cho biết Canada dự định mời các quan sát viên của Nga tới chứng kiến lực lượng chiến đấu của họ "càng nhiều càng tốt" và Canada muốn một lần nữa trở thành đối tác với Moskva mặc dù thừa nhận rằng trong thời gian trước mắt quan hệ giữa phương Tây và Nga sẽ vẫn thù địch.

TTXVN/Tin Tức
NATO tô vẽ Nga "như một mối đe dọa"
NATO tô vẽ Nga "như một mối đe dọa"

Ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nhận định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng khuếch trương mưu toan tô vẽ hình ảnh nước Nga như một mối đe dọa để biện minh cho các hành động của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN