Nhìn lại vai trò của NATO qua các dấu mốc xung đột lớn

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự lớn nhất thế giới, tập hợp 30 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ với cam kết bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP

Sau khi Phần Lan chính thức gia nhập vào ngày 4/4, NATO sẽ có 31 thành viên. Liên minh quân sự này được thành lập khi Chiến tranh Lạnh nổ ra, song phạm vi hoạt động đã được mở rộng theo thời gian.

Dưới đây là tóm tắt vai trò của tổ chức quân sự này qua những cuộc xung đột lớn trên thế giới:

NATO và Điều 5 

NATO được thành lập vào ngày 4/4/1949 với 12 quốc gia đầu tiên. 

Các bên ban đầu ký kết Hiệp ước Washington thành lập NATO là Bỉ, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha và Mỹ.

Điều 5 của hiệp ước này quy định rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả. Điều 5 yêu cầu các bên tham gia đều phải hành động, trong đó cả việc sử dụng lực lượng vũ trang. 

Chiến tranh Balkan

Năm 1994, liên minh này tiến hành chiến dịch quân sự đầu tiên, gửi máy bay chiến đấu đến Bosnia-Herzegovina để thực thi vùng cấm bay.

Một năm sau, NATO lần đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Bosnia.

Năm 1999, các máy bay NATO tiến hành chiến dịch ném bom dài 78 ngày ở Serbia nhằm phản đối hành động của chính quyền Serbia đối với tỉnh ly khai Kosovo.

Năm 1997, NATO ký Đạo luật sáng lập với Moskva, qua đó nhấn mạnh rằng họ "không coi nhau là đối thủ". Và hai năm sau, Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan gia nhập NATO.

Cuộc chiến chống khủng bố

Cam kết "một vì tất cả và tất cả vì một" của NATO lần đầu tiên được viện dẫn sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại nước Mỹ ngày 11/9/2001 do mạng lưới Al-Qaeda thực hiện.

NATO tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003, đứng đầu Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) được triển khai tới Afghanistan để diệt trừ Al-Qaeda và các tay súng Hồi giáo cực đoan khác.

Nhiệm vụ chiến đấu của NATO ở Afghanistan kết thúc vào năm 2014, nhưng 7 năm sau đó, các đồng minh NATO mới rút quân toàn bộ khỏi khu vực này. Sự kiện đó đã gây ra vụ sụp đổ của chính phủ Afghanistan và đưa lực lượng Taliban lên tiếp quản chính quyền. 

Trong khi đó, khi Liên minh châu Âu (EU) mở rộng, NATO cũng mở rộng thành viên với sự tham gia của Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia vào năm 2004.

Chú thích ảnh
Tháng 3/2020, Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của NATO. Ảnh: AFP

Vụ can thiệp tại Libya

Năm 2011, NATO sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để can thiệp vào Libya.

Chiến dịch không kích dữ dội kéo dài 7 tháng liên tục của NATO đã lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc cáo buộc NATO lợi dụng sứ mệnh làm vỏ bọc để thay đổi chế độ ở Libya.

Xung đột tại Ukraine

Tháng 4/2014, NATO đình chỉ mọi hợp tác với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ chính quyền của hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Năm 2016, NATO triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia tới Ba Lan và các quốc gia Baltic, đánh dấu sự tăng cường lớn nhất cho hệ thống phòng thủ tập thể của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh.

Ngày 24/2/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine - quốc gia đối tác của NATO đã tìm cách gia nhập liên minh này suốt nhiều năm.

Trong hơn 13 tháng qua, NATO không can thiệp trực tiếp vào vụ xung đột trên, nhưng các thành viên đã gửi cho Kiev vũ khí trị giá hàng tỷ USD. Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng đã củng cố sườn phía Đông của mình với bốn nhóm chiến đấu mới ở Romania, Bulgaria, Slovakia và Hungary.

Phần Lan và Thụy Điển đã phá bỏ quan điểm trung lập trong nhiều thập kỷ và đã xin gia nhập NATO.

Ngày 30/3/ 2023, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO cuối cùng chấp thuận tư cách thành viên của Phần Lan, dọn đường để nước này trở thành thành viên thứ 31 của NATO.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo France24)
Những thay đổi của Phần Lan sau khi chính thức gia nhập NATO
Những thay đổi của Phần Lan sau khi chính thức gia nhập NATO

Một trong những lợi ích lớn nhất mà Phần Lan sẽ được hưởng khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là được bảo vệ theo Điều 5 trong Hiến chương của liên minh. Nguyên tắc phòng thủ tập thể quy định một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN