EU thông qua gói vay quốc phòng 150 tỷ euro để tăng cường năng lực phòng thủ

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận triển khai chương trình vay mua sắm quốc phòng trị giá 150 tỷ euro (khoảng 163 tỷ USD), nhằm củng cố năng lực phòng thủ chung trong bối cảnh căng thẳng với Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 21/5, các đại sứ EU đã nhất trí thông qua quy định thiết lập chương trình “Hành động An ninh cho châu Âu” (SAFE), cho phép các quốc gia thành viên vay từ ngân sách EU để mua sắm trang thiết bị quân sự. Sáng kiến này là một phần trong chương trình "ReArm Europe" do Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng 3/2025 và được thúc đẩy nhanh chóng dưới nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng luân phiên của Ba Lan.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đánh giá việc thông qua quy định SAFE là “một bước tiến quan trọng hướng tới một châu Âu vững mạnh hơn”. Thỏa thuận sẽ cần được chính thức phê chuẩn tại cuộc họp Hội đồng Các vấn đề chung của EU vào ngày 27/5.

Ba nhà ngoại giao EU xác nhận Hungary đã bỏ phiếu trắng, tuy nhiên quy định SAFE được thông qua theo cơ chế đa số đủ điều kiện, nên sự phản đối từ Budapest không ảnh hưởng đến kết quả chung.

Chương trình SAFE cho phép các quốc gia thành viên EU vay vốn để mua sắm vũ khí và thiết bị quốc phòng, trong đó tối đa 35% giá trị hợp đồng có thể được dành cho các nhà cung cấp ngoài EU và Ukraine. Ngoài ra, quy định mới nhất được hoàn thiện ngày 20/5 cũng nới lỏng điều kiện tham gia đối với các nhà thầu phụ không thuộc EU. Cụ thể, các nhà thầu phụ có thể nhận từ 15% đến 35% giá trị hợp đồng, ngay cả khi không đặt trụ sở hoặc không có bộ máy điều hành tại EU hay các nước đối tác như Na Uy và Ukraine, vẫn được xem là đủ điều kiện để tham gia vào hoạt động mua sắm chung.

Tuy nhiên, chương trình SAFE không áp dụng đối với Mỹ và một số nước thứ ba không có thỏa thuận an ninh - quốc phòng với EU, gây ra một số phản ứng thận trọng từ Washington. Dù vậy, Mỹ không hoàn toàn bị loại khỏi chuỗi cung ứng, do quy định vẫn cho phép một phần thiết bị được nhập từ bên ngoài khối.

Vương quốc Anh, quốc gia vừa ký kết thỏa thuận an ninh với EU vào ngày 19/5, vẫn cần một thỏa thuận riêng biệt nếu muốn tham gia cơ chế vay và mua sắm trong khuôn khổ SAFE.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Ukraine quay sang vận động EU khi Mỹ không muốn tiếp tục trừng phạt Nga
Ukraine quay sang vận động EU khi Mỹ không muốn tiếp tục trừng phạt Nga

Tuần tới, Ukraine sẽ kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc các bước đi mạnh mẽ hơn nhằm cô lập Nga, bao gồm các biện pháp như tịch thu tài sản Nga và áp đặt trừng phạt một số người mua dầu Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN