Theo hãng tin RT (Nga), phát hiện mới được công bố trên tạp chí Physical Review Letters mới đây cho biết các vụ thử vũ khí hạt nhân đã khiến lượng mưa gia tăng cả ở những nơi cách xa khu vực thử hạt nhân đến hàng nghìn km.
Bằng việc sử dụng các ghi chép lịch sử từ một cơ sở nghiên cứu tại Scottland vào lúc đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, một nhóm các nhà khoa học đã so sánh sự thay đổi hàng ngày của luồng điện xuyên qua các đám mây sau “sự phóng thích của phóng xạ nhân tạo” – được gây ra bởi các vụ nổ hạt nhân. Từ đó, họ xác định các vụ ném bom hạt nhân ảnh hưởng đến lượng mưa như thế nào.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu thu thập từ năm 1962 đến năm 1964 – khoảng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, trong đó Mỹ và Liên Xô cũ đã thực hiện hàng trăm vụ thử hạt nhân – và phát hiện ra rằng những ngày có lượng phóng xạ lớn hơn, lượng mưa đã tăng trung bình 24% kèm theo những đám mây dày đặc.
“Bằng cách nghiên cứu tính phóng xạ được phóng thích từ các vụ thử vũ khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học tại thời điểm đó đã hiểu rõ hơn về hoàn lưu khí quyển. Hiện tại, chúng tôi đã sử dụng lại dữ liệu này để kiểm tra ảnh hưởng của nó đến lượng mưa”, Giles Harrison, tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư vật lý khí quyển tại Đại học Reading (Anh), cho biết.
Bầu không khí căng thẳng của Chiến tranh Lạnh đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và sự lo lắng trên toàn thế giới. Nhiều thập kỷ sau, sự kiện tồi tệ đó lại có thể giúp chúng ta nghiên cứu về luồng điện trong các vụ thử hạt nhân ảnh hưởng đến lượng mưa như thế nào.
Các nhà nghiên cứu phát hiện các vụ ném bom hạt nhân đã ion hóa bầu khí quyển và tạo ra một luồng điện có thể khiến thay đổi thời tiết ở các khu vực cách nơi thử vũ khí hạt nhân đến hàng nghìn km.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, kể từ lần thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào mùa hè năm 1945, khoảng 2.058 quả bom hạt nhân đã được kích nổ trên khắp hành tinh, bao gồm cả 2 vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2. Trong khi phần lớn các vụ thử nghiệm được tiến hành dưới lòng đất, song hơn 500 vụ thử nghiệm trên không đã được thực hiện từ năm 1945 đến năm 2017.
Sau Chiến tranh Lạnh, số vụ thử hạt nhân có giảm song chưa chấm dứt hoàn toàn. Phát hiện mới này có thể làm sáng tỏ những tác động sinh thái học của các vụ thử vũ khí hạt nhân trong tương lai, thúc đẩy lĩnh vực địa kỹ thuật, cung cấp kiến thức khoa học về việc điện gây tác động đến hình thế thời tiết như thế nào.