Chữ V bắt nguồn từ từ Vergeltungswaffen trong tiếng Đức nghĩa là các vũ khí trả thù. Các nhà khoa học người Đức tại cơ sở nghiên cứu Peenemünde trên Biển Baltic đã phát triển bom V-1 dưới chỉ dẫn của Tiến sĩ khoa học Wernher von Braun và Tướng quân đội Walter Dornberger.
Chúng còn có tên gọi tiếng Anh là “bom buzz” bởi tiếng ồn đặc trưng do động cơ phản lực xung gắn vào nó phát ra. Nhìn chung, hình dạng của V-1 khá giống một chiếc máy bay nhỏ. Ngoài ra, V-1 cũng được gọi là “bom bay” và “bom kiến sư tử”. Mỗi quả V-1 được phóng từ máy phóng tầm ngắn, sau đó bay đến độ cao khoảng 900m với vận tốc đạt 550km/h.
Lúc V-1 tiếp cận mục tiêu, người ở dưới mặt đất có thể nghe thấy tiếng ồn vo vo của nó. Ở một khoảng cách định sẵn, động cơ đột ngột tách khỏi thân bom. Trong tích tắc, không gian trở nên im bặt trước khi quả bom bổ nhào xuống mặt đất gây ra vụ nổ lớn bằng đầu đạn nặng 850kg.
Những quả “bom buzz” đầu tiên bị quân phát xít Đức thả xuống London, Anh ngày 13/6/1944, tức một tuần sau sự kiện ngày đổ bộ (D-Day) của quân Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Trong đợt oanh tạc đầu tiên, mỗi tiếng đồng hồ có đến 100 quả V-1 trút xuống London. Sau 80 ngày liên tục, trên 6.000 người đã thiệt mạng, 17.000 người khác bị thương và khoảng 1 triệu tòa nhà bị phá hủy.
Không giống những vụ ném bom thông thường của phát xít, các vụ ném V-1 xảy ra suốt ngày đêm bất kể thời tiết, tấn công bừa bãi, gây ra nỗi thấp thỏm và khiếp sợ đối với người dân thủ đô London cùng khu vực Kent và Sussex.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill nhớ lại: “Một quả bom rơi gần nhà tôi ở Westerham, giết chết 22 trẻ vô gia cư và 5 người lớn đang co cụm trong một khu tị nạn ở trong rừng”.
Đức đã chế tạo ra hơn 29.000 quả bom V-1, chủ yếu bởi các tù nhân ở dưới một nhà máy ngầm gần Nordhausen. Trong chiến dịch Crossbow, quân Đồng minh đã tập trung tấn công vào các điểm phóng và cơ sở sản xuất bom V-1. Trong chiến dịch tấn công này, gần 2.000 lính không quân Đồng minh đã hy sinh.
Cuối cùng, các phi đội máy bay Anh và Mỹ cũng tìm ra cách hạn chế sự nguy hiểm của bom V-1. Tuy nhiên, đến tháng 9/1944, phát xít Đức lại tung ra bom V-2 ưu việt hơn. V-2 sử dụng nhiên liệu lỏng, di chuyển với tốc độ 80km/h, đầu đạn chứa 900kg thuốc nổ lao xuống mặt đất mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào. Khác V-1, V-2 không thể bị đánh chặn. Hơn 1.000 quả bom thế hệ 2 này đã trút xuống London thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.