Theo tờ Jerusalem Post, khoảng 7 tuần sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tấn công Rafah và với các hoạt động lớn tại đó có thể kết thúc bất cứ lúc nào, IDF vẫn chưa chắc chắn rằng họ đã hoặc sẽ tìm thấy tất cả các đường hầm xuyên biên giới giữa Gaza và Ai Cập.
Trên thực tế, ước tính để tìm ra và phá hủy hoàn toàn tất cả các đường hầm xuyên biên giới đó có thể mất thêm ít nhất sáu tháng, thậm chí lâu hơn thế. Cho đến nay, nhiều nguồn tin từ IDF tiết lộ rằng có ít nhất 25 đường hầm xuyên biên giới, nhưng đây chỉ là ước tính ban đầu.
Trong tất cả các trận chiến đường hầm mà IDF đã thực hiện ở Gaza, đây là trận chiến quan trọng nhất vì Hành lang Philadelphi chính là “huyết mạch” của Hamas để tiếp nhận vũ khí từ bên ngoài.
Cuộc tấn công vào miền Nam Israel ngày 7/10 năm ngoái không thể diễn ra nếu không có vận chuyển vũ khí, huấn luyện và tình báo mà Hamas nhận được thông qua Hành lang Philadelphi.
Liệu IDF, sau nhiều năm mở rộng đơn vị đặc nhiệm chuyên về đường hầm Yahalom và đầu tư hàng tỷ USD vào robot, chó nghiệp vụ, thiết bị bay không người lái (UAV) và nhiều công nghệ tiên tiến khác, có đủ khả năng ngăn chặn tuyến giao thông ngầm này không?
Thậm chí còn chưa đề cập đến vấn đề địa chính trị phức tạp liên quan đến Ai Cập, Mỹ, Liên hợp quốc và các bên khác, cũng như liệu IDF có thể ngăn chặn Hamas quay trở lại hay không nếu lực lượng này rút lui hoàn toàn khỏi Hành lang Philadelphi.
Ngay cả trước khi trả lời câu hỏi đó, nếu IDF, hiện đang nắm toàn quyền kiểm soát, không thể phá hủy toàn bộ các đường hầm, thì khó có thể thấy điều gì có thể ngăn cản Hamas quay trở lại và tái vũ trang.
Khi đến tận nơi và thảo luận về mối đe dọa từ đường hầm với hai chỉ huy cấp cao của IDF là Đại tá, Chỉ huy Lữ đoàn Nahal Yair Zuckerman và Đại tá, Chỉ huy Lữ đoàn Negev Elbaz Ivri, chúng ta có cái nhìn rõ hơn về mức độ khó khăn của công việc này so với những gì công chúng Israel vẫn nghĩ.
Trước hết ở Hành lang Philadelphi, những đường hầm này đặc biệt, dài và sâu dưới lòng đất. Cách duy nhất để thực sự phát hiện thấy chúng là bắt đầu bằng một đường hầm sâu trong Rafah, có thể không liên quan gì đến xuyên biên giới và sau đó, xem xét mọi đường hầm cho đến khi phát hiện ra đường hầm nào dẫn đến biên giới.
Nếu việc tìm kiếm các đường hầm xuyên biên giới dược tiến hành ở sâu hơn trong Rafah, chứ không chỉ ở Hành lang Philadelphi ngắn và hẹp hơn, thì cuộc tìm kiếm chúng sẽ phức tạp hơn nhiều.
Vấn đề đường hầm xuyên biên giới sẽ dễ dàng xử lý hơn một chút với IDF nếu phía Ai Cập quyết tâm xóa bỏ 100% đường hầm xuyên biên giới như Israel, nhưng các nguồn tin của IDF cho biết họ không làm như vậy vì chính phủ hiện tại của Ai Cập không thù địch với Hamas.
Trên thực tế, vào năm 2015, Ai Cập đã làm ngập các đường hầm xuyên biên giới của Hamas bằng nước biển, phá hủy hàng trăm ngôi nhà ở Rafah (bên phía Ai Cập) để loại bỏ các đường hầm khác và vào năm 2019, Ai Cập cho biết một chiến dịch quân sự lớn đã phá hủy thêm 37 đường hầm xuyên biên giới.
IDF không phủ nhận việc Ai Cập đã thực hiện những hành động này, vậy tại sao đến năm 2024, Hamas vẫn còn nhiều đường hầm như vậy? Công bằng mà nói, phía Ai Cập cũng giống như Israel, có thể họ đã đánh giá thấp năng lực tái thiết của Hamas.
Khi bị vô hiệu hóa không có nghĩa là các đường hầm bị phá hủy hoàn toàn, và thậm chí một khi đã bị phá hủy, không có nghĩa là bị phá hủy mãi mãi. Việc phá hủy cũ không có nghĩa là các đường hầm mới sẽ không được đào ngay lập tức.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngay cả khi Israel phá hủy nhiều km đường hầm chạy từ Rafah-Gaza tới biên giới Ai Cập thì những đường hầm đó vẫn có thể không bị phá hủy hoàn toàn hoặc thậm chí không bị vô hiệu hóa (mà chỉ bị sập một phần).
Hamas sau đó sẽ dễ dàng tái thiết lập lại các đường hầm đó khi IDF từ bỏ toàn bộ hoặc một phần quyền kiểm soát phía Gaza của Hành lang Philadelphi hoặc thậm chí khi IDF bắt đầu giảm sự hiện diện của quân thường trực tại Rafah.