Ba trong số các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ "không được chứng nhận lặn ngày hôm nay" do sự chậm trễ bảo trì gây ra bởi các nhà máy đóng tàu quá đông, quan chức Hải quân Mỹ báo cáo trong phiên điều trần tại Quốc hội ngày 12/12..
Theo CNN, trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện, Phó Chánh Văn phòng Điều hành Hải quân William Moran nói với các nhà lập pháp rằng một trong những tàu ngầm trên là USS Boise cuối cùng sẽ được vào xưởng đóng tàu trong tháng 1/2019 sau 4 năm ngừng hoạt động. Hai tàu ngầm tấn công còn lại hiện cũng không hoạt động và sẽ được đưa vào bến tàu cạn trong năm mới để sửa chữa.
Theo ông Moran, Hải quân Mỹ đã cố gắng giải quyết tình trạng các tàu ngầm "đắp chiếu" nhiều năm chờ bảo trì, trong đó có dựa vào các nhà máy đóng tàu tư nhân, bên cạnh các nhà máy của nhà nước, để giúp đẩy nhanh quá trình.
Mặc dù vậy, những thách thức trong khâu bảo trì đôi khi đã gạt ra rìa một phần đáng kể hạm đội tàu ngầm, và tại buổi điều trần, giới chức Hải quân Mỹ cho rằng họ vẫn cần phải làm nhiều việc hơn.
"Chúng tôi đã theo sát những thách thức đối với tình trạng sẵn sàng tác chiến của hạm đội tàu ngầm, và đã xác định ba động lực chính: năng lực của nhà máy đóng tàu công, công suất của xưởng tàu và sự sẵn có của các thiết bị, linh kiện", Moran nói với các nhà lập pháp.
"Làm việc với các đối tác trong ngành, chúng tôi đã có thể phân bổ nhiều tàu ngầm cho các nhà máy đóng tàu tư nhân để giảm bớt sự chênh lệch giữa nhu cầu và năng lực của các nhà máy đóng tàu công; thiết lập bản đồ đường bộ để nâng cấp bến cảng cạn, cơ sở vật chất và thiết bị, để cải thiện công suất tổng thể", ông Moran phát biểu tại phiên điều trần.
Xem video tàu ngầm tấn công USS Boise được đưa vào xưởng sửa chữa:
Tuy nhiên, một báo cáo mới được Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ công bố hôm thứ Tư cho thấy vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải là tốt hơn. Theo báo cáo này, kể từ năm 2012, các tàu ngầm của Hải quân đã phải "đắp chiếu" thêm 7.321 ngày vì chậm trễ bảo trì.
Trước mắt, các quan chức Hải quân hy vọng sẽ tránh được nhiều năm chờ đợi một chiếc tàu ngầm được sửa chữa, giống như đã xảy ra với tàu USS Boise. "Chúng tôi không muốn có thêm những chiếc như Boise", ông Moran nói với các thượng nghị sĩ, lưu ý rằng "các con số đang giảm đáng kể".
Bất chấp yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về chi tiêu quốc phòng bổ sung, nhiều năm cắt giảm ngân sách đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bảo trì và đóng tàu của Hải quân.
Hôm 12/12, Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Nam Dakota, Mike Rounds đã nói rõ rằng người Mỹ cần hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đặc biệt là nếu chính phủ phải chịu cắt giảm ngân sách, như đã xảy ra vào năm 2013.
Trước đó, cuối tháng 11, trang USNI dẫn báo cáo do Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) công bố cho hay: "Hải quân Mỹ đã chi hơn 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2018 để phục vụ những tàu ngầm hạt nhân tấn công không thể tác chiến. Dù các nhà máy đã hoạt động quá công suất thiết kế nhiều năm qua, sự chậm trễ ngày càng kéo dài và các tàu ngầm phải đắp chiếu lâu hơn".
Báo cáo được GAO công bố sau khi kiểm tra các đơn vị tàu ngầm, phân tích mức độ sẵn sàng chiến đấu trong 10 năm qua. Dữ liệu về hoạt động tác chiến, chi phí vận hành và hiệu quả bảo dưỡng cũng được nghiên cứu. Tuy nhiên, GAO không tiết lộ một số chi tiết trong báo cáo, như tỷ lệ tàu ngầm bị tháo phụ tùng để lắp cho những chiếc còn lại.
GAO và Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của những tàu ngầm tấn công nhanh như USS Boise vì chúng được coi là xương sống của hải quân Mỹ. Tàu ngầm lớp Los Angeles được giới chiến lược gia Mỹ đánh giá cao nhờ độ linh hoạt, có thể làm nền tảng trinh sát và thu thập tin tức tình báo, đồng thời là mũi tấn công hiệu quả trong các xung đột quân sự.