Cùng với đó, UBND quận Đống Đa cũng cho rằng, việc dịch chuyển một số cây hoa sữa trên cũng nhằm cải thiện khả năng điều hòa không khí của hệ thống cây xanh trên tuyến phố. Đồng thời, khi đánh chuyển cây cũng tạo điều kiện cho địa phương chỉnh trang hè phố, cảnh quan đô thị. Trên tinh thần này, quận Đống Đa đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn di chuyển, chặt hạ, trồng bổ sung cây xanh phục vụ chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh.
Ngày 26/10, thông tin về nội dung trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm. Do vậy, đề nghị quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác được dư luận, người dân ủng hộ.
Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý quận này xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển.
Về đề nghị di dời cây hoa sữa vào các công viên, vườn hoa do UBND quận Đống Đa quản lý, Sở Xây dựng lưu ý cần xem xét, đánh giá về mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc sau khi trồng.
Theo Sở Xây dựng, trong trường hợp có quá nhiều cây hoa sữa được di dời, không thể bố trí trồng lại trong các công viên, vườn hoa trên địa bàn quận Đống Đa thì quận này chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội để thống nhất vị trí trồng cố định và chăm sóc tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500 mét ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Trước đó, năm 2019, UBND phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng đã xin phép thành phố và được phê chuẩn kế hoạch chuyển bớt khoảng 100 cây hoa sữa tại tuyến đường Trích Sài lên trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để hạn chế mùi rác thải và giải quyết được vấn đề bức xúc của người dân tại phường Bưởi. Sau khi được đánh chuyển và trồng tại vị trí mới, những cây hoa sữa trên đều sinh trưởng và phát triển bình thường.