“Ác mộng” mang tên… hoa sữa

Hà Nội, hầu như phố nào cũng có hoa sữa và hoa sữa có thời trở thành biểu tượng của tình yêu và là hình ảnh thân thuộc, gần gũi của người dân Thủ đô. Hoa sữa đi vào thơ ca, nhạc họa. Nói đến hoa sữa, nhiều thế hệ người Hà Nội hoài niệm về một quãng thời gian đẹp đẽ trong đời. Vậy mà giờ đây, hoa sữa lại là nỗi ám ảnh, trở thành cơn ác mộng của không ít người dân Thủ đô cũng như ở nhiều tỉnh, thành phố khác.


Những ngày gần đây, một số tờ báo đưa tin: “Bình Định quyết định chặt bỏ 3.000 cây hoa sữa” vì mùi hương quá nồng nặc. Ở thành phố Trà Vinh cũng xảy ra việc người dân gửi đơn thư “kêu cứu” tới chính quyền địa phương vì “mùi hoa sữa đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe” của họ. Thậm chí, do quá bức xúc với mùi hoa này, người dân Trà Vinh từng nhiều lần đưa loài hoa này lên “mổ xẻ” tại diễn đàn các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Một số địa phương như Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, từ nhiều năm trước đã quyết định loại cây hoa sữa khỏi hè phố và tới nay không muốn “tái hôn” trở lại. Ảnh hưởng không mấy tốt đẹp của cây hoa sữa khiến lãnh đạo một số địa phương thừa nhận rằng, chọn hoa sữa trồng tại khu vực nội đô là một quyết định sai lầm.

Nhiều người dân sống ở các khu phố có hoa sữa than thở, họ chẳng còn cảm nhận được đâu là sự ngọt ngào, nồng nàn của mùi hoa sữa. Trái lại, họ cảm thấy khó chịu khi hàng ngày buộc phải thưởng thức một mùi hương hăng hắc, nồng nặc. Người đi đường thi thoảng ngửi một chút hương hoa sữa thì cảm thấy thích thú, còn những người dân sống cùng nó thì chẳng khác gì sự tra tấn. Chớm đông, tiết trời se se lạnh, cũng là thời điểm hoa sữa Hà Nội bừng nở. Không ít gia đình sống trong bầu hoa sữa, đã tìm cách sơ tán, hoặc gửi con cái tới nhà người thân. Nhiều hộ đã phải đóng chặt cửa, mở máy lạnh để tránh hít phải hương hoa sữa quá nồng làm tổn hại sức khỏe.

Không khó hiểu, nhiều người dân đã tìm cách “bức tử” hoa sữa bằng cách đục thân hoặc đổ hoá chất vào gốc cây. Một cách làm có phần tiêu cực, nhưng có thể hiểu và thông cảm được. Đã có những đánh giá ở góc độ y tế: Hoa sữa gây dị ứng cho người có cơ địa nhạy cảm với phấn và hương hoa. Không ít trường hợp, nhất là trẻ nhỏ bị dị ứng phấn và mùi hương của hoa gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, phấn hoa còn có thể gây dị ứng ngoài da. Sự kích thích của mùi hương quá lớn dẫn đến tình trạng người mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, tập trung kém. Còn với những người mắc các bệnh như hen suyễn, viêm xoang thì hệ quả sẽ khó lường.

Có người đặt câu hỏi, tại sao hoa sữa từng đẹp đẽ trong thi ca, bỗng trở thành “tội đồ” đe dọa sức khỏe con người? Chung quy, cũng xuất phát từ sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch cây xanh tại khu vực nội đô, các khu đô thị. Việc quy hoạch trồng quá nhiều hoa sữa trên một số tuyến phố đã dẫn đến tình trạng người dân “lao đao” vì hoa. Có địa phương, là do tầm nhìn của những người làm công tác quy hoạch cây xanh còn hạn chế. Cũng có địa phương phó mặc, để người dân trồng tự phát, đến lúc muốn “ghìm” thì không kịp; kết cục là phải đốn bỏ, gây lãng phí lớn.

Có ý kiến đề nghị, từ bài học cây hoa sữa, các địa phương, nhất là ở các thành phố lớn nên quy hoạch trồng những loài cây khi nở hoa có mùi hương nồng ở những tuyến phố xa khu dân cư sinh sống, hoặc giảm mật độ bằng cách trồng xen với các loại cây khác, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Yến Nhi
Nồng nàn hoa sữa…

Ngay cả trong đêm nay hương hoa cũng đang giấu mình trong từng hạt mưa tí tách ngoài ô cửa. Vọng từ nhà ai da diết một điệu buồn “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em / Có lẽ nào anh lại quên em…”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN