Vận dụng hiệu quả Luật Thư viện vào thực tiễn

Sau 5 năm thực hiện Luật Thư viện đã góp phần mở ra một bước phát triển mới cho hệ thống thư viện Thủ đô.

Chú thích ảnh
Một góc thư viện Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ, Luật Thư viện ra đời đã tác động mạnh, làm thay đổi nhận thức của những người làm công tác chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.

Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng ở Hà Nội gồm có 1 thư viện cấp tỉnh, 29 thư viện cấp huyện, 53 thư viện cấp xã. Ngoài ra, thành phố còn sở hữu 1.096 thư viện cộng đồng, thư viện - phòng đọc cơ sở; 13 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Sau khi Luật Thư viện năm 2019 được thực hiện, hệ thống thư viện của Hà Nội được kiện toàn về bộ máy tổ chức, hoạt động; cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Hệ thống thư viện cấp huyện đã dần đi vào ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, đặc biệt là nhu cầu hưởng thụ sách báo của nhân dân.

Đội ngũ cán bộ thư viện các cấp đã thực hiện lưu trữ, bảo tồn vốn tài liệu có giá trị, xây dựng, duy trì và phát triển phong trào đọc sách. Việc xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở được lãnh đạo các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động văn hóa. Các thôn, cụm dân cư có trụ sở nhà văn hóa khang trang là yếu tố quan trọng để xây dựng, phát triển và duy trì hoạt động của thư viện, tủ sách…

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Luật Thư viện tập trung vào những nội dung phát triển văn hóa đọc và hiện đại hóa, cập nhật hóa hệ thống thư viện, vấn đề liên thông thư viện… Qua đó khẳng định rõ vai trò của thư viện trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Luật cũng đã tác động rất lớn đến văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực và những bước phát triển mới cho ngành Thư viện.

Thời gian qua, Thư viện Hà Nội đã bám sát nội dung Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của thư viện công cộng tới toàn hệ thống, thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên môn của đơn vị. Các chương trình tập huấn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo đơn vị chủ quản, cán bộ thư viện cấp huyện, đại diện chính quyền cấp xã, cán bộ phụ trách văn hóa, người làm công tác thư viện cấp xã, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc thực thi Luật. Các hoạt động trên đã trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện những căn cứ pháp lý quan trọng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể trong quản lý và hoạt động chuyên môn để vận dụng hiệu quả Luật Thư viện vào thực tiễn của từng cấp trong hệ thống thư viện công cộng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc.

Việc triển khai Luật Thư viện được gắn với thúc đẩy thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó chú trọng 5 nhóm giải pháp gồm: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; tiếp tục đổi mới dịch vụ, tổ chức hoạt động khuyến đọc tại thư viện, ngoài thư viện và trên không gian mạng; đẩy mạnh việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh xã hội hóa.

Cùng với đó, các thủ tục hành chính về lĩnh vực thư viện cũng được phân cấp quản lý rõ ràng với 3 cấp gồm: Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (3 thủ tục); thủ tục thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện (3 thủ tục) và thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã (3 thủ tục).

Tuyết Mai (TTXVN)
Xây dựng thư viện xanh, trường học thân thiện
Xây dựng thư viện xanh, trường học thân thiện

Nhiều trường học tại tỉnh Nam Định hướng tới xây dựng mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh. Những thư viện này mở ra không gian đọc mới mẻ, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, góp phần xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN