Kênh phổ biến thông tin chính thống, kịp thời
Từ góc độ cơ sở, ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Đảng uỷ phường Trung Liệt (Đống Đa) cho biết: "Sổ tay đảng viên điện tử là một kênh tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tới toàn thể đảng viên một cách chính thống và nhanh nhất. Trên thực tế, những đảng viên có điện thoại thông minh đã tiếp nhận nhiều thông tin từ nền tảng mạng xã hội. Trong một xã hội thông tin “ngồn ngộn” như hiện nay, người dân và nhất là đảng viên, cũng đã nhận thức được lợi ích tích cực từ việc sử dụng nền tảng số, qua kênh chính thống. Đây cũng là việc triển khai biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo các quy định của pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trước mọi nguy cơ mất an toàn thông tin mạng".
“Hiệu quả bước đầu trong tứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, từng bước có quy trình theo nề nếp khi ứng dụng thông tin minh bạch, nhất là việc lịch họp chi bộ và nội dung sinh hoạt được cập nhật, theo dõi đầy đủ, thường xuyên. Các số liệu về cuộc họp chi bộ thông qua ứng dụng này, bí thư có thể năm được số liệu thông tin”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Đảng bộ quận Đống Đa có hơn 28.000 đảng viên, sau khi quán triệt tới tổ chức đảng cơ sở, cơ bản số đảng viên đủ điều kiện đã cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường, qua nắm bắt thực tế tại đảng bộ quận cho thấy, đa số đảng viên đánh giá hiệu quả cung cấp thông tin, nhất là các tài liệu của Đảng. Từ những thông tin được cung cấp, cán bộ, đảng viên có cơ sở, có kiến thức để đấu tranh với những thông tin trái chiều, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ông Nguyễn Tiến Toàn, Trưởng Ban Tổ chức huyện uỷ Đan Phượng cho biết, đảng viên chi bộ nông thôn ban đầu còn gặp nhiều khó khăn đề cài đặt và làm quen cách sử dụng ứng dụng, Huyện uỷ đã thành lập các Tổ công tác cài đặt sử dụng phần mềm, hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng phần mềm đến từng đảng viên. Sổ tay đảng viên điện tử hỗ trợ đảng viên nghiên cứu các văn bản, tài liệu của Trung ương, của cấp ủy cấp trên; đồng thời giúp cấp ủy theo dõi đến từng đảng viên trong tham gia sinh hoạt chi bộ, học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương và của địa phương; từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên; tạo bước đột phá, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên.
“Khi sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử, các đảng viên trong chi bộ sẽ có thời gian nghiên cứu trước các nội dung buổi sinh hoạt, từ đó chuẩn bị ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng”, ông Nguyễn Tiến Toàn cho biết.
Việc đăng tin tức chính thống trên Sổ tay đảng viên điện tử cũng được Huyện ủy Đan Phượng quan tâm, chỉ đạo. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định số 1606-QĐ/HU về việc thành lập Ban Biên tập tin, bài Sổ tay đảng viên điện tử thuộc Đảng bộ huyện Đan Phượng. Đến tháng 10, huyện Đan Phượng đã đăng tải 264 tin bài liên quan đến các hoạt động nổi bật. “Nội dung các tin bài ngắn gọn, súc tích, phản ánh kịp thời, chính xác các hoạt động nổi bật của Đảng bộ, chính quyền huyện; cung cấp các thông tin hữu ích về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của Huyện; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, người tốt việc tốt trong phát triển kinh tế, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…”, ông Nguyễn Tiến Toàn cho biết.
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Triệu Thị Ngọc, việc triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử Hà Nội bước đầu đạt kết quả tích cực tại các tổ chức cơ sở Đảng, giúp chi ủy, chi bộ điều hành các cuộc họp khoa học, kịp thời, tiết kiệm thời gian, được đông đảo cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Thành phố ghi nhận.
Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 4529-QĐ/TU ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Quy chế này quy định cách thức quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” của Đảng bộ thành phố Hà Nội đối với cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố. Đây là kênh thông tin chính thống, quan trọng của Đảng bộ thành phố để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; văn kiện - tài liệu của Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của Thủ đô. Đồng thời, là công cụ quan trọng để nắm bắt, quản lý chặt chẽ hoạt động của đảng viên.
Để Sổ tay đảng viên điện tử có nội dung phong từ từ tư liệu đến tin tức cập nhật từ Trung ương đến các đảng bộ trực thuộc, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Biên tập tin, bài “Sổ tay đảng viên điện tử Thành ủy Hà Nội”. Hiện Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã thành lập tổ biên tập tin, bài và phân công rõ người, cơ quan chịu trách nhiệm duyệt đăng tin, bài để đăng trên “Sổ tay đảng viên điện tử”.
Dữ liệu từ Sổ tay đảng viên điện tử giúp ích trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giúp cấp ủy, chi bộ tra cứu thông tin và triển khai gắn với hoạt động của từng tổ chức cơ sở Đảng; hỗ trợ trong việc chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt chi bộ khi thông báo thời gian, địa điểm; đồng thời đảm bảo an toàn thông tin khi dữ liệu tập trung quản lý; từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên….
Cần đa dạng tính năng
Từ thực tế người dùng, ông Nguyễn Văn Tuế, Bí thư chi bộ 10B cho rằng: "Các mục đã có nên cập nhật dữ liệu thông tin. Đơn cử như mục về trao huy hiệu tuổi đảng rất được những chi bộ dân cư như chúng tôi quan tâm. Tuy nhiên, mục này đang trống và tôi vẫn làm bảng kê thủ công báo cáo với Đảng bộ phường khi lên danh sách. Hiện vẫn phải làm thủ công nên việc lên danh sách những đảng viên được trao huy hiệu, tôi thường làm thống kê từ đầu năm, công bố trước trong họp chi bộ để kịp trao vào các dịp lễ như 3/2, 19/5…”, ông Nguyễn Văn Tuế chia sẻ.
Còn ông Hà Văn Lũng, Bí thư Chi bộ số 4, phường Đội Cấn, Ba Đinh cho rằng: "Hiện nay, mở điện thoại lên là một “rừng app”. Ngoài ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử Hà Nội, quận Ba Đình cũng có app thông tin nội bộ riêng của quận. Cái khó nhất với người lớn tuổi là quên mật khẩu nếu không vào thường xuyên. Bên cạnh đó, đa phần những đảng viên sinh hoạt tại khu phố đều là người lớn tuổi nên việc đọc các Nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng sẽ khó. Do đó, Sổ tay đảng viên điện tử nên có những ứng dụng dùng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc chuyển sang file âm thanh; tóm tắt ngắn gọn để dễ phố biến".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Đảng uỷ phường Trung Liệt nhận nhiều phản hồi từ 18 chi bộ trong phường về việc ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử có thể dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đọc các bản tin. Thực tế, người già mắt kém mà nhìn màn hình lâu sẽ rất khó chịu. Đã dùng công nghệ thông tin hiện đại thì phần nội dung này cũng “hiện đại” theo xu thế chung, chuyển thể từ dạng văn bản sang âm thanh để truyền tải thông tin. Thực tế, bản tin loa phường nhiều nơi cũng đã dùng công nghệ chuyển văn bản text sang âm thanh để đọc.
Ông Nguyễn Tiến Toàn, Trưởng Ban tổ chức huyện uỷ Đan Phượng kiến nghị: "Theo phản ánh từ thực tế cơ sở, đảng viên gặp khó khăn khi ứng dụng sử dụng phần mềm, giao diện phần mềm còn phức tạp. Đơn vị triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử Hà Nội, nên nghiên cứu lại bố cục giao diện phần mềm dễ dàng sử dụng hơn, đơn giản hóa các bước thực hiện nghiệp vụ trên các phần mềm. Tiếp tục tối ưu hóa các phần mềm để có thể chạy tốt trên các smartphone đời cũ".
Từ góc độ là doanh nghiệp công ích của Nhà nước, ông Trịnh Quang Chiến, Phó Bi thư Bưu điện Hà Nội cũng rằng: Sổ tay đảng viên điện tử mới triển khai và cần thời gian hoàn thiện. Việc quản lý trên nền tảng điện tử vẫn chưa thông suốt nên vẫn phải kết hợp làm thủ công như quy trình chuyển sinh hoạt đảng. Theo đó, việc chuyển sinh hoạt đảng chỉ trong nội bộ Đảng bộ TP Hà Nôi, tuy nhiên các đơn vị chưa thực hiện đồng bộ, dẫn đến vẫn phải nhập dữ liệu đảng viên mới chuyển đến theo hồ sơ giấy lên phần mềm, phát sinh thêm khối lượng công việc tại cơ sở. Hiện dữ liệu cũng chưa đồng bộ với Phần mềm Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên với PM 3.0 của Trung ương, do đó Ban tổ chức Đảng ủy phải cập nhật dữ liệu đảng viên trên cả 2 phần mềm. Để triệt để thực hiện số hóa công tác Đảng, đề nghị Trung ương đảng có chỉ đạo thống nhất và liên thông dữ liệu trong toàn quốc để thực hiện quản lý và chuyển sinh hoạt Đảng trực tiếp trên hệ thống, không phải dùng các văn bản giấy.
“Thành ủy Hà Nội sớm xem xét bổ sung tính năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác kiểm điểm đảng viên cuối năm cho phép đảng viên, chi/Đảng bộ trực tiếp báo cáo, xác nhận trên phần mềm thay thế cho các bản giấy như hiện nay, ví dụ các báo cáo kiểm điểm đảng viên, bổ sung lý lịch đảng viên, kê khai tài sản… và lưu trữ trên hệ thống”, ông Trịnh Quang Chiến kiến nghị.
Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng bộ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: “Để nhiều người dùng Sổ tay đảng viên điện tử, trước hết là nội dung phong phú, sau đó là kiểm tra, giám sát theo quy định. Về phần tương tác trên Sổ tay đảng viên điện tử còn hạn chế vì nhiều người dùng nhiều mạng xã hội với nhiều app khác nhau, nhất là giới trẻ”.
“Hiện nhiều đảng viên trong Đảng bộ dùng Sổ tay đảng viên điện tử Hà Nội theo tính định kỳ và trong công việc vẫn dùng nhiều phương thức khác nhau để chuyển tại thông tin như zalo, email… Đơn cử như Sổ tay đảng viên điện tử không có chức năng "ting ting" hoặc báo sáng nên không biết có nội dung mới hay không. Bên cạnh đó, việc chuyển tải thông tin phải có tính định lượng, tóm tắt nội dung. Với những đảng viên khối doanh nghiệp như chúng tôi, điều quan tâm nhất là các chỉ số kinh tế - xã hội”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết: Mới đây, Ban thường vụ Thành uỷ đã họp và cho ý kiến về việc triển khai Sổ tay đảng viên điện tử. Những ưu nhược điểm khi triển khai trên thực tế sẽ được đơn vị vận hành khắc phục để từ đó có định hướng hoàn thiện hơn.