Triển khai đồng loạt Sổ tay đảng viên điện tử từ đầu năm 2023, đến nay, tất cả chi bộ tại Hà Nội với hơn 442.000 đảng viên, chiếm hơn 93% tổng số đảng viên đã cài đặt ứng dụng này. Nhờ đó, Đảng bộ thành phố Hà Nội từng bước quản lý, chỉ đạo sát với tình hình thực tế việc sinh hoạt Đảng tại cơ sở.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng
Sau khi cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử, một công việc mới với tất cả bí thư chi bộ đều phải làm quen là nhập lịch và chủ đề nội dung sinh hoạt chi bộ từ cuối tháng trước, để các đảng viên có thời gian nghiên cứu, góp ý về các nội dụng sinh hoạt.
Từ tháng 3 trở lại đây, ngày 20 hàng tháng, ông Nguyễn Văn Tuế, Bí thư chi bộ 10B (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) lại cập nhật thông tin về lịch họp chi bộ lên Sổ tay đảng viên điện tử, để ngày 4 tháng sau, chi bộ sẽ sinh hoạt.
“Chi bộ khu dân cư tại đô thị với đặc trưng hầu hết là người lớn tuổi, nên thời gian sinh hoạt chi bộ hàng tháng cố gắng chỉ gói gọn trong 1 tiếng. Do đó, nội dung họp thông tin và gửi trước tài liệu sẽ giúp đảng viên có ý kiến tập trung”, ông Nguyễn Văn Tuế chia sẻ.
Do được thông tin về chủ đề sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, đảng viên vừa mới chuyển về sinh hoạt tại chi bộ 10B, phường Trung Liệt, đã chủ động nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng uỷ phường sẽ được triển khai trong buổi sinh hoạt tới. Vào dịp cuối năm, bà Tâm cũng cập nhật thông tin về công tác kiểm điểm, xếp loại đảng viên…Từ đó, trong các buổi sinh hoạt Đảng, bà Tâm phát biểu xây dựng ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm về các vấn đề liên quan đến khu dân cư như công tác tham gia vệ sinh môi trường, câu lạc bộ sức khoẻ… góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Anh Phan Thái Nam, đảng viên đang công tác tại một doanh nghiệp tư nhân và sinh hoạt tại Chi bộ 10B, nhận thấy, Sổ tay đảng viên điện tử tiện lợi khi cập nhật thông về nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng. “Do doanh nghiệp tôi làm không có tổ chức Đảng, nên tôi sinh hoạt tại khu dân cư. Công việc bận rộn, nhưng nhờ có Sổ tay đảng viên điện tử, nên dù đi làm tôi vẫn cập nhật thông tin của chi bộ kịp thời”, anh Phan Thái Nam chia sẻ.
Trước đây, khi sinh hoạt chi bộ được ấn định vào ngày mùng 4 hàng tháng, ông Nguyễn Văn Tuế nhắn tin thông báo chủ đề họp trên nhóm zalo. Đến buổi sinh hoạt, ông Tuế phổ biến lại các văn bản, Nghị quyết để mọi người thảo luận. Sau sinh hoạt chi bộ, ông Tuế note lại các ý chính để truyền đạt lại cho các đảng viên vắng mặt.
“Vì lý do an toàn thông tin theo quy định, nên không phải nội dung gì cũng đưa trên zalo. Từ khi dùng Sổ tay đảng viên điện tử, thông tin về Nghị quyết được cập nhật kịp thời và sau buổi sinh hoạt, tôi tải lên app để mọi người cùng theo dõi. Điều này cũng cũng thuận lợi cho các đảng viên được miễn sinh hoạt và đảng viên đang làm việc tại doanh nghiệp bận không tham gia sinh hoạt được. Sổ tay đảng viện điện tử đang góp phần thay đổi cách tiếp cận thông tin và quy trình trong sinh hoạt chi bộ tại cơ sở”, ông Nguyễn Văn Tuế chia sẻ.
“Cái khó nhất khi áp dụng Sổ tay đảng viên điện tử tại chi bộ dân cư là người sử dụng phần lớn đều lớn tuổi”, ông Nguyễn Văn Tuế tâm sự. Chi bộ 10B phường Trung Liệt (quận Đống Đa, Hà Nội) có 146 đảng viên, trong đó được miễn sinh hoạt Đảng là 44 đảng viên. Độ tuổi trung bình chi bộ là 70 tuổi, nên khi triển khai Sổ tay đảng viên điện tử gặp khó khăn, áp dụng công nghệ chưa được nhanh nhạy. Chỉ có 14 người làm tại doanh nghiệp, đang sinh hoạt tại chi bộ, là thích ứng nhanh.
Đồng quan điểm, ông Hà Văn Lũng, Bí thư chi bộ số 4, phường Đội Cấn (Ba Đình) cho biết: “Chi bộ có 53 đảng viên, có 18 đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng. Độ tuổi bình quân của chi bộ trên 65 tuổi, nên việc cài ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử triển khai nhanh, nhưng sử dụng và tương tác lại là cả một vấn đề. Điều thuận lợi nhất là khi có Sổ tay đảng viên điện tử, việc cập nhật lịch họp chi bộ được đúng quy chuẩn và không phải báo cáo Đảng uỷ phường bằng bản giấy như trước”.
Thôn Bãi Thuỵ (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội) có 117 đảng viên, trong đó có 39 đảng viên được miễn sinh hoạt Đảng và 7 đảng viên làm việc tại doanh nghiệp nhưng sinh hoạt Đảng tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Bí thư chi bộ thôn Bãi Thuỵ cho biết: “Tuổi bình quân tại chi bộ là 58 tuổi, trong đó có 47 cán bộ từng công tác trong quân đội nghỉ hưu, còn lại là đảng viên nông thôn gắn với công việc đồng áng. Chi bộ sinh hoạt định kỳ ngày 3 hàng tháng để mọi người dễ nhớ và tạo thành thói quen. Trước đây, do đặc điểm vùng nông thôn, nên việc cập nhật hoạt động của chi bộ mọi người vẫn thông tin qua điện thoại hoặc qua nhà nhắc nhau. Sau này, thông tin được gửi qua ứng dụng mạng xã hội như zalo. Từ khi có Sổ tay đảng viên điện tử, chủ đề sinh hoạt chi bộ được tôi cập nhật từ ngày 20 hàng tháng, để đảng viên năm bắt trước thông tin”.
Mỗi khi đăng chủ đề sinh hoạt chi bộ, ông Nguyễn Ngọc Cường thường xuyên nhận từ 2 đến 3 phản hồi của các đảng viên, chủ yếu là các đóng góp ý kiến về chủ đề sinh hoạt chuẩn bị diễn ra. Ông Nguyễn Văn Yến, 60 tuổi, Chi bộ thôn Bãi Thuỵ, xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Sau khi nghiên cứu thông tin, tôi gọi điện cho Bí thư chi bộ đề nghị thêm một số chủ đề trong sinh hoạt Đảng, nhất là vấn đề xây dựng nông thôn mới, duy trì chất lượng sản phẩm OCOP…. Trước đây, tôi chỉ biết chủ đề sinh hoạt, chứ không nắm được nội dung cụ thể văn bản. Muốn biết thì phải gọi điện cho bí thư. Khi có Sổ tay đảng viên điện tử thì rất thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và đóng góp ý kiến”.
Cập nhật thông tin linh động
Việc triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tại khối cơ quan, doanh nghiệp thuộc Thành uỷ Hà Nội quản lý cũng đang tạo ra những bước thuận lợi ban đầu với khối cơ quan, doanh nghiệp.
Đơn cử như Bưu điện Hà Nội có 26 chi, Đảng bộ trực thuộc với 738 đảng viên đã triển khai cài đặt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử, đạt 100%.
Ông Trịnh Quang Chiến, Phó Bí thư Đảng uỷ Bưu điện Hà Nội cho biết: “Đơn vị có lợi thế đang triển khai các chương trình hỗ trợ người dân cài đặt các tiện tích dịch vụ công trực tuyến tại các điểm giao dịch bưu điện, nên nhân sự khá quen các loại hình sử dụng hình thức trực tuyến qua ứng dụng. Chỉ cần có hướng dẫn, đa phần đội ngũ nhân sự triển khai nhanh và tìm tòi các tính năng ứng dụng để phổ biến cho các đảng viên khác”.
Đơn cử như, Trung tâm Khai thác vận chuyển của Bưu điện Hà Nội có 26 đảng viên, tuổi trung bình là 40. Khi triển khai Sổ tay đảng viên điện tử, việc ứng cài đặt và sử dụng khá nhanh. Do đặc thù công việc, trong đó có nhân sự là đảng viên thường xuyên di chuyển như tổ vận tải, nên ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử giúp cập nhật thông tin.
Ông Đỗ Ngọc Tuấn, Bí thư Chi bộ Trung tâm Khai thác vận chuyển của Bưu điện Hà Nội cho biết: “Theo quy định, hàng tháng, chúng tôi đều đưa nội dung họp chi bộ lên trước. Họp chi bộ xong, sau 2 ngày, chi bộ ban hành nghị quyết, lại được cập nhật lên app".
Từ khi cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử, lúc nhàn rỗi, đảng viên chủ động mở app Sổ tay đảng viên điện tử ra đọc để biết lịch họp, thông tin chính thống.
“Sau khi Nghị quyết đưa lên Sổ tay đảng viên điện tử, tất cả đảng viên xem và có ý kiến ngay trên Sổ tay này, ví dụ như ý kiến về Nghị quyết đưa ra chỉ tiêu cao quá hay thấp quá”, ông Đỗ Ngọc Tuấn thông tin.
So với cách làm truyền thống trước đây, việc sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử phổ cập thông tin nhanh hơn, công khai, minh bạch. Do đặc thù đơn vị sản xuất của Trung tâm Khai thác vận chuyển, người lao động đi sớm về muộn, có những người phải đi làm từ 3 giờ sáng, chia ca kíp nên gặp gỡ nhau khó. Do đó, Sổ tay đảng viên điện tử giúp đảng viên là người lao động tiện hơn, nắm bắt thông tin.
“Trước đây, chúng tôi cũng thông tin qua group zalo, viber, nhưng từ khi dùng Sổ tay đảng viên điện tử, mỗi cuộc họp Ban chấp hành với những vấn đề quan trọng, chúng tôi thông báo triệu tập họp, xin ý kiến đều trên Sổ tay đảng viên điện tử”, ông Đỗ Ngọc Tuấn thông tin thêm.
Chị Mai Anh là đảng viên trẻ thế hệ 8x của Đảng bộ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, ngay sau khi được phổ biến, kèm bảng hướng dẫn, chị đã chủ động cài đặt ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử Hà Nội. Do đặc thù công việc phải đi lại nhiều, việc cài đặt giúp chị Mai Anh có thể theo dõi được lịch họp chi bộ, tìm kiếm thông tin trích dẫn từ các nghị quyết, chỉ thị khi cần làm báo cáo. “Lúc rảnh rỗi, tôi cũng đọc thông tin chính thống về hoạt động các cơ sở Đảng, nhất là thông tin số liệu về kinh tế - xã hội”, chị Mai Anh cho biết.
Với ông Trịnh Quang Chiến, Phó Bí thư Đảng uỷ Bưu điện Hà Nội, sau khi cài Sổ tay đảng viên điện tử ,cũng có những thuận lợi như nhắc nhở các Chi bộ trực thuộc việc họp thường kỳ tháng 1 lần đúng theo quy định. "Là trang chính thống đưa thông tin, các văn bản, cuộc họp, sự kiện lớn của Đảng bộ mà mỗi đảng viên có tài khoản có thể tự khai thác thông tin ở mọi lúc, mọi nơi thông qua máy điện thoại smartphone hoặc máy tính có kết nối internet", ông Chiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp ủy Đảng bộ cấp trên cơ sở có thể khai thác lấy thông tin chung của toàn Đảng bộ cơ sở như số lượng, số tổ chức cơ sở đảng, số liệu đã đăng ký họp Chi bộ trong tháng… Các đơn vị triển khai học tập nghị quyết, các cuộc thi tìm hiểu trực tiếp đến đảng viên, theo dõi thống kê được tình hình đảng viên tham gia của từng chi, Đảng bộ; Thực hiện trực tiếp việc khảo sát, lấy ý kiến chuyên đề đối với từng đảng viên, thống kê thuận tiện, nhanh chóng.
“Đây là lợi thế của việc sử dụng dữ liệu tập trung trên cùng nền tảng mà người quản lý nào cũng muốn biết. Thay vì phải đợi báo cáo, tổng hợp, người quản lý chỉ cần vào nền tảng để theo dõi, kiểm tra đánh giá để từ đó có thông báo, nhắc nhở những đơn vị chưa thực hiện đúng quy định. Đồng thời phát huy tính chủ động của từng tổ chức cơ sở Đảng”, ông Trịnh Quang Chiến cho biết,
Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng nhận thấy Sổ tay đảng viên điện tử hữu dụng, nhất là tra cứu thông tin. “Trước kia, cần danh sách đảng viên hoặc lịch chuyên đề họp hàng thang là mở hồ sơ giấy và ở văn phòng mới xem được. Nay đã lưu trên app, tôi có thể năm được thông tin. Bên cạnh đó, tôi có thể kiểm soát năm bắt ai vào đọc thông tin, lịch họp của 9 chi bộ trực thuộc. Do đặc thù đảng viên mỗi nơi khác nhau, không tập trung nên thông tin nhanh hơn, họp đầy đủ hơn”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Bài 2: Hướng đến sự tiện lợi