1010 năm Thăng Long - Hà Nội:

Thủ đô ngàn năm văn hiến - Bài cuối: Nỗ lực vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thành phố Hà Nội đã huy động đa dạng nguồn lực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cho công tác này.

Nhờ đó, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn hai năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Cơ chế đặc thù hỗ trợ người nghèo

Chú thích ảnh
Tối 6/10/2020, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2016, thành phố Hà Nội có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội thấp (xếp thứ tư, sau 3 tỉnh, thành phố không còn hộ nghèo theo mức chuẩn của Trung ương là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai), tuy nhiên số hộ nghèo của Hà Nội cao thứ 36/63 tỉnh, thành trên cả nước. Các hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo toàn thành phố. Đặc biệt, Hà Nội có 14 xã miền núi, vùng thiểu số, trong đó có hai xã thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác giảm nghèo, ngày 8/7/2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”.

Cùng với đó, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Thủ đô, tiêu biểu là việc áp dụng chuẩn nghèo của thành phố cao hơn 1,6 lần chuẩn nghèo Trung ương, nhờ vậy đã có thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, Hà Nội chủ động áp dụng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,3 lần mức chuẩn Trung ương, với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Hàng tháng, thành phố thực hiện chính sách trợ cấp cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động, thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn, với mức trợ cấp 350.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Hàng năm, Hà Nội đều trích ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng thu nhập; hộ nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để trang trải chi phí học tập. Bên cạnh đó, các địa phương còn tập trung hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ hàng tháng các đối tượng không có khả năng thoát nghèo và hỗ trợ y tế, giáo dục đối với các hộ gia đình sau khi thoát nghèo để ổn định cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái đánh giá, Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác giảm nghèo. Định kỳ hàng năm, các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, sau đó phân tích, tổng hợp nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ, từng nhóm đối tượng, làm căn cứ đề xuất giải pháp trợ giúp, hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng.

Theo đó, những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở được thành phố hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Trong 5 năm (2016-2020), toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Những người còn khả năng lao động là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 75.000 lao động thuộc các đối tượng chính sách. Sau học nghề, gần 90% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng có thu nhập cao hơn. Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn vay gần 2.400 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo "về đích" trước hai năm

Năm 2016, Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn dưới 1,2%. Các cấp ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và sự đồng tình của nhân dân.

Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Năm 2016, thành phố hỗ trợ 100% hộ nghèo tiếp cận truyền hình số mặt đất. Năm 2017, thành phố tập trung hỗ trợ 100% gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo; cơ bản hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công; không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm 2018, Hà Nội hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở hư hỏng cho hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%. Với tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16% này, Hà Nội đã hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Năm 2019, Hà Nội tập trung hỗ trợ các hộ không có khả năng thoát nghèo. Theo đó, cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn 0,42%. Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo (trừ người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng tự thoát nghèo), không còn hộ nghèo diện chính sách người có công…

Trong số 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, hai quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng là hai địa phương không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đây là hai quận đã triển khai tích cực, hiệu quả nhiều chương trình giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong đó, nhấn mạnh huy động tối đa mọi nguồn lực (từ ngân sách và xã hội hóa) để tham gia công tác giảm nghèo; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình làm tốt công tác trợ giúp người nghèo, kinh nghiệm sản suất, kinh doanh làm giàu với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với hộ nghèo… Quận Cầu Giấy còn chỉ đạo các phường đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo phù hợp, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ các phường có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, nhằm giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Quang Hồng (Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, căn cứ kết quả điều tra hộ nghèo, cận nghèo hàng năm, Ban Chỉ đạo trợ giúp người nghèo quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra, rà soát nhu cầu thiếu hụt của hộ nghèo, cận nghèo và đề ra biện pháp hỗ trợ phù hợp. Quận đã phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo thực hiện phỏng vấn các hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân nghèo, biện pháp trợ giúp và nguyện vọng thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, quận đã có nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của hộ nghèo như: xây, sửa nhà; tặng xe máy để hộ nghèo “chạy xe ôm”, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, trợ cấp ốm đau; miễn giảm tiền học phí cho con em hộ nghèo, cận nghèo…

Ông Hồng nhấn mạnh, quận Cầu Giấy xác định công tác giảm nghèo là công việc lâu dài gắn với công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể, bản thân người nghèo cũng cần phát huy ý chí tự vươn lên, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện các chương trình hỗ trợ, khắc phục khó khăn, kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bảo đảm an sinh xã hội

Chú thích ảnh
Người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Mặc dù nguồn kinh phí ngân sách phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, song thành phố Hà Nội vẫn ưu tiên dành các nguồn lực, ban hành nhiều chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Thủ đô ngày càng hoàn thiện đồng bộ.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 192.000 đối tượng bảo trợ xã hội (với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng/năm) và nuôi dưỡng thường xuyên 2.700 người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, người lang thang vô gia cư... tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Thành phố dành nhiều ưu tiên cho gần 872.000 người cao tuổi và hơn 101.000 người khuyết tật bằng những hình thức thiết thực như: cấp thẻ đi xe buýt miễn phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế, vốn vay ưu đãi, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí...

Trong đợt dịch COVID-19, thành phố đã hỗ trợ hơn 500.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, để giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, bên cạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm, thành phố Hà Nội còn triển khai đồng bộ công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Đặc biệt, nhằm giải quyết tình trạng người lang thang, các Trung tâm Bảo trợ xã hội đã thành lập 3 đội trật tự xã hội trực tiếp quản lý theo địa bàn. Kết quả từ năm 2016 đến nay, hơn 2.000 lượt người lang thang đã được đưa đến các trung tâm bảo trợ xã hội, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang xin tiền trên địa bàn. Các trường hợp gặp rủi ro bởi thiên tai, hỏa hoạn... được chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời để khắc phục hậu quả sau thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết chế độ ưu đãi cho 140.000 người có công; điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 200.000 lượt người; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10.000 nhà ở đối với hộ gia đình người có công... Các địa phương đều thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng…

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; trong đó, chú trọng quan tâm tới các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu… Song song với việc rà soát hộ nghèo, các địa phương cần có sự linh hoạt hơn trong hình thức hỗ trợ đối với từng hộ, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng gia đình. Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt này, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội của Thủ đô đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hà Nội vẫn đang từng ngày phát triển, vừa phát triển đô thị, kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Thủ đô đang vươn lên tầm cao mới, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và ngang tầm với các nước trong khu vực.

Kim Anh (TTXVN)
Thủ đô ngàn năm văn hiến - Bài 2: Ưu tiên đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Thủ đô ngàn năm văn hiến - Bài 2: Ưu tiên đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Với vị trí là Thủ đô, trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN