Tập trung giải ngân vốn đầu tư công
Với thành phố Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất quan trọng, bởi nguồn vốn này của thành phố giai đoạn 2016-2020 chiếm tỷ trọng 10% vốn đầu tư công của cả nước. Qua số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho thấy trong 8 tháng năm 2020, ước tính thành phố giải ngân được khoảng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 50% kế hoạch; trong số đó, có nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đơn cử như: đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục; dự án đường sắt đô thị Hà Nội; dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá...
Vì vậy để tháo gỡ "nút thắt" trong giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Văn Thắng (Quận Tây Hồ) đề nghị UBND thành phố tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công. Trước thực trạng nhiều dự án đã nằm trong danh mục nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm, thuộc những vấn đề dân sinh bức xúc, được nhân dân mong đợi như: xây dựng, môi trường, đại biểu này cho rằng UBND thành phố tiếp tục sâu sát với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... “Đề nghị cần đánh giá việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các quận huyện theo Quyết định 41/2016 của UBND thành phố, ông Nguyễn Văn Thắng nêu ý kiến.
Đề cập đến việc vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19, song trên thực tế có nhiều doanh nghiệp cũng “đuối sức” trước việc bị hạn chế sản xuất, xuất khẩu… nên trong thời gian tới thành phố cần quan tâm chăm sóc sức khỏe cho các doanh nghiệp. Đồng thời, có các giải pháp tiếp sức phù hợp ở thời gian trước mắt và lâu dài, để cộng đồng doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn. Đó là ý kiến của đại biểu Phạm Đình Đoàn (Quận Hoàng Mai) tại buổi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2021. Vị đại biểu này cũng bày tỏ, thành phố cần đưa ra các tiêu chí cụ thể để các doanh nghiệp đánh giá năng lực lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện; thành lập cơ quan giám sát việc cắt giảm các rào cản đối với sản xuất kinh doanh...
Cùng quan điểm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, bà Phạm Hải Hoa (huyện Phú Xuyên) nhận định, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, doanh nghiệp theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của cả thành phố.
Đặt mục tiêu GRDP năm 2021 tăng 7,5%
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Hà Nội vẫn tăng trưởng; trong đó đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu. Tăng trưởng năm 2020 của thành phố ước tăng 3,94%, cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước; cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo, cơ cấu kinh tế cả giai đoạn đã chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 10 huyện và 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thành phố Hà Nội cần tích cực tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ưu tiên cho cải tiến công nghệ và áp dụng mô hình sản xuất mới với năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Để tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Hà Nội cần tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện các nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục kịp thời các hạn chế, khó khăn, trước mắt là tiếp tục làm tốt việc phòng, chống dịch COVID -19, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp lớn nêu trong các báo cáo, tờ trình đã một bước cụ thể hóa 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định.
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, từng cá nhân đồng chí lãnh đạo, đại biểu không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tiếp tục có những đổi mới, phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò cơ quan đại diện và thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô.
Trong chiều 7/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố.
Theo đó, trong năm 2021 Hà Nội đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...