Đây là lần thứ hai Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tuyên truyền về an toàn hàng không cho các đối tượng liên quan. Trước đó, vào tháng 4/2022, Cảng đã tuyên truyền nội dung này cho các đơn vị phục vụ mặt đất ngay sau khi các hoạt động bay nội địa phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Tích lũy kinh nghiệm từ các đợt tập huấn, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã sử dụng nhiều hình ảnh trực quan sinh động từ chính các hoạt động của người dân giáp ranh sân bay, tập trung vào 4 nhóm gồm: Giảm tầm nhìn, va chạm trên không, va chạm dưới đất và hư hỏng trang thiết bị của Cảng.
Theo ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn hàng không (Cảng vụ hàng không miền bắc), các hành vi gây giảm tầm nhìn của phi công là việc đốt rơm rạ, chiếu đèn laser... Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, trước đây nông dân thường đốt rơm rạ gây khói mù, ảnh hưởng tầm nhìn của phi công. Việc chiếu đèn laser khi tàu bay đang cất, hạ cánh cũng làm chói mắt khiến phi công bị phân tán tại thời điểm tập trung cao độ điều khiển tàu bay.
Các hành vi có khả năng gây va chạm trên không như: thả diều, thả đèn trời, xây dựng công trình trái phép gần sân bay hay các hoạt động thu hút chim... tiềm ẩn nguy cơ va chạm với tàu bay đang bay.
Các hành vi có khả năng gây va chạm dưới đất như sử dụng thiết bị bay tự động gồm: vật thể bay không người lái (UAV/Drone), flycam; chăn thả và để lọt gia súc vào khu bay. Các vật thể bay không người lái, gia súc chạy lọt vào khu bay có khả năng va chạm với tàu bay khi cất, hạ cánh hoặc đang vận hành trên đường lăn, sân đỗ.
Các hành vi có khả năng gây hư hỏng trang thiết bị cảng như: đốt rác gần các công trình, thiết bị sân bay, lấy trộm trang thiết bị sân bay... có thể làm hư hỏng hệ thống trang thiết bị, ảnh hưởng đến quá trình tàu bay khai thác tại cảng.
Ở 4 nhóm hành vi này, theo Nghị định số 162/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, người vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 40 triệu đồng (chiếu tia laser vào tàu bay); 60 triệu đồng (sử dụng vật thể bay không người lái, flycam) tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi; hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch của bà con cũng có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng...
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Đỗ Thị Bích Vân cho biết, sau khi tập huấn, bà con nông dân đã nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ đối với hoạt động bay; đồng thời, xã đã xây dựng và triển khai tới người dân trên địa bàn kế hoạch xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Cụ thể, thay vì đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch, nông dân được hướng dẫn biện pháp xử lý rơm rạ an toàn, khoa học.
Tại buổi tập huấn, đại diện Công ty cổ phần sinh thái Nông Việt đã thông tin cho bà con phương thức ứng dụng vi sinh vào phân hủy rơm rạ, giảm thiểu tác hại đến môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...