Nhà ga sân bay Nội Bài nằm trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á theo đánh giá của trang SleepingInAirports.Net nhỏ bé, chật hẹp còn con đường độc đạo Phạm Văn Đồng dẫn vào nội đô luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông, với những dãy nhà hai bên ám đầy bụi đường.
Tháng 1/2015, cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Nội Bài khánh thành đưa vào khai thác đã đóng góp cho hệ thống giao thông một công trình tầm cỡ làm thay đổi diện mạo phía Bắc Thủ đô. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài lần thứ 5 liên tiếp có mặt trong “Top 100 Sân bay tốt nhất thế giới” (World’s Top 100 Airports 2020) do Tổ chức quốc tế Skytrax công bố kết quả xếp hạng các sân bay trên thế giới.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp dài 12,1km kết nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân vào nội thành trở thành cửa ngõ đẹp nhất của Thủ đô. Khi tuyến đường đưa vào khai thác đã làm giảm đáng kể lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài, đồng thời đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài, hoàn thiện đường trục chính của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn.
Diện mạo giao thông khu vực sân bay Nội Bài thay đổi đã tạo ấn tượng đẹp cho khách quốc tế và du khách ngay khi đặt bước chân đầu tiên đến Thủ đô, từ nhà ga hiện đại xuôi theo đại lộ Võ Nguyên Giáp thênh thang với những hàng cây xanh mướt mắt xen lẫn những cành hoa thắm sắc dập dờn trong gió như chào đón mang lại cho khách phương xa một cảm giác thật “Yomost”.
Công trình cầu Nhật Tân được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới nổi bật trên dòng sông Hồng vừa thẩm mỹ vừa hiện đại như một nét chấm phá trong bức tranh giao thông Thủ đô. Còn nhớ khi công trình xây dựng cầu Nhật Tân triển khai xây dựng, tận mắt chứng kiến những kỹ sư Nhật Bản cẩn thận lau từng hạt bụi bám trên thành cầu, được nghe kể về tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như những kinh nghiệm dày dặn mà các chuyên gia Nhật Bản truyền lại cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam mới thấy hết ý nghĩa mà sự hợp tác hữu nghị mang lại.
Đóng vai trò kết nối sân bay Nội Bài với cửa ngõ phía Tây Thủ đô, dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long đã được thông xe đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2019). Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long là dự án trọng điểm của thành phố, thuộc tuyến đường huyết mạch kết nối từ khu vực nội đô đi sân bay Nội Bài và các khu công nghiệp lớn trên địa bàn thành phố.
Đây cũng là tuyến đường cửa ngõ phía Tây kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc, Đông Bắc về Thủ đô và ngược lại. Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô, từng bước hoàn thiện đường Vành đai 3 theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay, đồng thời tạo mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến cầu cạn Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch đến cầu Thăng Long. Tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch-Thăng Long có chiều dài 5,5km, mặt cắt ngang rộng từ 56 mét là một trong những tuyến đường có mặt cắt rộng nhất Hà Nội hiện nay.
Và cùng với mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch-Thăng Long, sau hơn 2 năm thi công, dự án đường Vành đai 3 trên cao của Hà Nội đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) triển khai cũng đã hoàn thành và chuẩn bị được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và 66 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10) tới đây.
Bên cạnh các công trình giao thông do Bộ Giao thông Vận tải triển khai trên địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, 5 năm qua, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nhiều công trình giao thông theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Tính đến hết năm 2020 dự kiến hoàn thành 148/214 dự án, tăng thêm khoảng 498km đường giao thông; hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều tuyến, trục hướng tâm, như: Đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, cầu vượt nút giao Cổ Linh; cầu vượt Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái; cầu vượt Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân; cầu vượt An Dương-đường Thanh Niên... những kết quả trên đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, đặc biệt tăng được quỹ đất dành cho giao thông. Nếu năm 2015, quỹ đất đô thị dành cho giao thông đạt 8,65%, thì đến hết năm 2019, tỷ lệ này là 9,75%, tăng khoảng 0,3%/năm.
Tại các cửa ngõ phía Đông Bắc và phía Nam thành phố, huyện Gia Lâm và huyện Thanh Trì cũng tập trung nguồn lực triển khai hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo, xây mới đường giao thông nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông địa phương theo hướng phát triển đô thị.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đến nay, những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược về phát triển giao thông Thủ đô từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã cơ bản được định hình.
Thời gian tới, thành phố tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.
Cụ thể, xây dựng khép kín hệ thống đường vành đai (từ vành đai 1 đến vành đai 4); các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm: Trục tây Thăng Long; trục phía nam; trục Hà Nội - Xuân Mai; trục Tứ Liên - đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên... Ðầu tư 8 cầu qua sông Hồng, sông Ðuống theo quy hoạch. Tập trung đầu tư cải tạo sáu nút giao thông trọng điểm gồm nút giao Nguyễn Văn Huyên; hầm chui Lê Văn Lương; hầm chui đường vành đai 2,5 với Quốc lộ 1A; nút giao đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long, nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 3 và nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch; đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Trước mắt hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Ðông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn-ga Hà Nội) trong năm 2021.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi.
Trước mắt, thành phố tiếp tục cân đối nguồn lực từ ngân sách; đồng thời xây dựng phương án, cơ chế chính sách để đa dạng nguồn vốn phục vụ thực hiện các dự án giao thông khung theo quy hoạch bao gồm vốn vay ODA, vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng, huy động nguồn bằng việc phát hành trái phiếu, đấu giá đất, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (BT, BOT...), xã hội hóa đầu tư.
Chặng đường phía trước còn dài và gian nan để hoàn thiện bức tranh giao thông Thủ đô. Nhưng với những “mảng sáng” mà ngành giao thông vận tải và thành phố Hà Nội làm được trong thời gian qua hoàn toàn có thể hy vọng về một hệ thống giao thông hiện đại trong tương lai, góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thu hút mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư và hội nhập quốc tế.
Bài 3: Đưa nông thôn Hà Nội trở thành nơi đáng sống