Theo đó, Hội thảo khoa học cấp thành phố “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” sẽ diễn ra ngày 21/3, là một trong những căn cứ khoa học nhằm phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045...
Thông tin về Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu là lãnh đạo thành phố, một số bộ ngành Trung ương, địa phương của Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô; các chuyên gia, nhà khoa học; tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế có nhiều nghiên cứu về văn hóa Việt Nam…
Hội thảo gồm 4 nội dung lớn: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội - Thủ đô di sản, Thành phố sáng tạo, khát vọng phát triển; Các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội, Hội thảo tổ chức không gian trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống đặc trưng của Hà Nội như: gỗ mỹ nghệ, khảm trai, gốm Bát Tràng, tranh Hàng Trống…; không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là không gian trưng bày các mũi tên đồng khai quật từ Thành Cổ Loa của Bảo tàng Lịch sử; trình bày và trình diễn bộ sản phẩm mô phỏng Nỏ thần của Vua An Dương Vương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh: Với cách nhìn nhận khoa học và thực tế, cách tiếp cận về nguồn lực văn hóa và những giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, Ban tổ chức Hội thảo mong muốn từ chương trình trao đổi, thảo luận, Hà Nội sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc hơn, góp phần nhận diện, làm rõ thêm nội hàm của văn hiến - văn minh - hiện đại cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai”.