Hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh và phát triển

Để góp phần đưa Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội theo đúng mục tiêu, quan điểm Nghị quyết đề ra, chiều 6/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh và phát triển”. 

Chú thích ảnh
Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu khai mạc tọa đàm. 

Khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, từ năm 1975 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 5 Nghị quyết về vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết số 15 với tầm nhìn mới, tư duy mới, nhất là tâm thế phát triển mới để Thủ đô Hà Nội tích hợp được những cơ hội, thuận lợi từ tình hình quốc tế, khu vực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm phát triển như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nghị quyết đã đưa ra 4 nhóm quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Thủ đô; 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới...

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ thêm ý nghĩa, mục tiêu, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố Hà Nội; các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Đồng thời, tập trung đề xuất các ý kiến, giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển văn hóa Thủ đô; chuyển đổi số, xây dựng thể chế, truyền thông chính sách…

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. 

Về tính khả thi của các mục tiêu trong Nghị quyết số 15,  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ, Hà Nội cần nhận diện đúng tiềm năng của mình, biến những bất lợi trở thành lợi thế. Thành phố cũng cần có tư duy đột phá để thay đổi cấu trúc của Thủ đô, tận dụng việc Hà Nội là trung tâm hội tụ nguồn lực của cả nước. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, những mục tiêu trong Nghị quyết vẫn chưa thể hiện hết khát vọng và thách thức đối với Hà Nội, những mục tiêu định tính còn chưa rõ ràng...

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại tọa đàm. 

Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hà Nội cần tập trung vào 5 vấn đề gồm: quy hoạch, kiến trúc, khoa học - công nghệ, kinh tế, văn hóa. Trong đó, thành phố cần chú trọng vào phát triển khoa học - công nghệ và xây dựng văn hóa...

Nghị quyết số 15 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, mà còn đối với cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Thủ đô đang bước vào giai đoạn quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; được cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô cũng như cả nước đồng tình, đánh giá cao, coi đây là điểm tựa cho Hà Nội cất cánh.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Tạo dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô
Tạo dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô

Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức thu hút, trọng dụng nhân tài, gây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN