Hà Nội: Xây dựng quận Hà Đông thành đô thị phát triển toàn diện

Ngày 26/7, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Quận ủy Hà Đông về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo, kết luận buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Dự buổi làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, đồng lòng trong triển khai nhiệm vụ chính trị, đồng thời biểu dương những kết quả phát triển kinh tế, xã hội mà quận đã đạt được trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, công tác quản lý nhà chung cư, đất đai, trật tự xây dựng... có nhiều tiến bộ. Công tác triển khai các dự án trọng điểm, nhất là thực hiện dự án giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt kết quả tốt. 

Thời gian tới, để Hà Đông xứng tầm một đô thị phát triển toàn diện, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị quận Hà Đông đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng; phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, quận cần tập trung đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển. 

Quận cũng cần tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công, nhất là các dự án xây dựng trường học. Cùng với các sở, ngành liên quan, quận Hà Đông nghiên cứu thực hiện dự án đường Hà Đông - Xuân Mai, Lê Văn Lương kéo dài... để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của quận, cũng như của vùng phía Tây Nam thành phố. 

Hiện nay toàn bộ thiết chế văn hóa trên địa bàn quận còn thiếu (nhà hát, bảo tàng...). Do đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị quận cùng với các sở, ngành liên quan khi thực hiện quy hoạch phải quan tâm xây dựng các thiết chế văn hoá, cùng với đó cần làm sớm quy hoạch Làng nghề Vạn Phúc để thúc đẩy du lịch, qua đó góp phần xây dựng đô thị Hà Đông phát triển toàn diện. 

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Đông trước đây là thủ phủ của tỉnh Hà Tây và Hà Sơn Bình, có bề dầy văn hóa, lịch sử. Do đó, quận phải có những đề xuất, đưa ra sản phẩm xứng tầm; quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị như: quản lý chung cư, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường; đồng thời quan tâm giải quyết vấn đề đất dịch vụ, không để tiềm ẩn các vấn đề phức tạp.

Chú thích ảnh
Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khách quan nhìn lại, quận đã làm được nhiều việc, nhất là quyết tâm thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn quận; tháo gỡ khó khăn thực hiện Trạm bơm Yên Nghĩa… Tuy nhiên, thời gian tới, quận Hà Đông cần làm tốt các dự án BT; rà soát lại toàn bộ quỹ đất liên quan đến xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị trên địa bàn; sớm triển khai giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án giao thông…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, khó khăn nhất của quận là tăng dân số quá nhanh, tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Thời gian tới, quận cần quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối các đô thị hiện có, tập trung giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý đất đai; quyết tâm tháo gỡ từng dự án chậm triển khai và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại sông Nhuệ. Bên cạnh đó, quận tập trung vào công tác cán bộ, đảm bảo sự đoàn kết, ổn định để phát triển.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cùng chung quan điểm cho rằng, mặc dù quận Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng công tác quy hoạch, phát triển đô thị được thực hiện tương đối tốt. Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, hiện Sở đang soát quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 đoạn qua quận Hà Đông, sau đó nghiên cứu quy hoạch phân khu để phát triển đô thị ở khu vực này. 

Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số khu vực trên địa bàn quận quy hoạch đã có, nhưng hạ tầng cơ sở kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn thiếu đồng bộ, không đồng nhất với mật độ dân cư, điển hình như mạng lưới trường học. Do đó, cùng với các sở, ngành liên quan, quận cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh xây dựng khớp nối đồng bộ hạ tầng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển.

Chú thích ảnh
Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trước đó, trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng do kinh tế phục hồi chậm, tình hình chính trị thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, Đảng bộ quận Hà Đông đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ chính trị của quận, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. 

Cụ thể, năm 2022, có 22/23 chỉ tiêu đạt kế hoạch, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quận đặt ra 23 chỉ tiêu, trong đó có 9 chỉ tiêu đánh giá theo năm và 14 chỉ tiêu đánh giá được trong 6 tháng đầu năm; kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm có 11/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, công tác quản lý đất đai, đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Quận cũng đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại và chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; đồng thời chủ động rà soát, nắm tình hình quản lý, sử dụng các quỹ đất trên địa bàn. An sinh xã hội được đảm bảo; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 

Để khơi thông nguồn lực phát triển, quận Hà Đông đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm phê duyệt giá đất dự án Công trình hỗn hợp văn phòng, thương mại, cây xanh, nhà ở thấp tầng, trường mầm non tại khu đô thị mới An Hưng; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ (nghĩa vụ tài chính bổ sung tòa HH1 và HH2) khu đô thị Mỗ Lao, để tạo điều kiện cho quận hoàn thành được chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Quận Hà Đông cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các Chủ đầu tư các khu đô thị mới có cam kết tiến độ thực hiện sớm đầu tư trường học hoặc bàn giao quỹ đất cho UBND quận thực hiện đầu tư công, đáp ứng nhu cầu trường học trên địa bàn.

Nguyễn Thắng - Văn Cảnh (TTXVN)
Xây dựng quận Hoàng Mai thành trung tâm, động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô
Xây dựng quận Hoàng Mai thành trung tâm, động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô

Ngày 5/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử số 4 đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) đến điểm cầu các phường của quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN