Hà Nội ra công điện hỏa tốc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 21/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có Công điện hỏa tốc số 10 về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra công tác bầu cử và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Khu vực bỏ phiếu số 8, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Để đảm bảo kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2016 (cuộc bầu cử) an toàn, đúng luật, thực sự là ngày hội của toàn dân. Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy; Tiếp theo Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 19/5/2021, căn cứ nội dung phiên họp số 112 Ban Chỉ đạo công tác Phòng chống dịch COVID-19 Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cấp ngành, địa phương cơ sở tập trung cao độ và sẵn sàng cao nhất trong mọi tình huống và diễn biến dịch bệnh, đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Quán triệt thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp từ Thành phố đến cấp cơ sở cần tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo tại các văn bản của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố, đặc biệt tại các Chỉ thị, Công điện của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; căn cứ tình hình thực tế, diễn biến dịch bệnh từng địa bàn để phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành, huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính quyền các cấp, nhất là sự tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, vai trò các tổ chức, đoàn thể, tổ COVID cộng đồng tại các địa phương và sự đồng thuận của người dân để chung tay, quyết tâm đảm bảo an toàn cho nhân dân và thành công cuộc bầu cử trên địa bàn Thành phố.

Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc, rà soát các biện pháp phòng chống dịch theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố; tuyệt đối không để ra sai sót, sai phạm do ý thức lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, không thực hiện nghiêm ngặt các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch; xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định đối với các tập thể và cá nhân có vi phạm.

Kiểm soát và đảm bảo an toàn bầu cử

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ có hiệu quả dịch bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các ổ dịch mới phát sinh; rà soát toàn bộ các ổ dịch, tuyệt đối không để lây nhiễm dịch bệnh trong hệ thống chính quyền các cấp.

Tổ chức kiểm tra chặt chẽ, liên tục nhân sự, quy trình phòng chống dịch, phương án hỗ trợ, đặc biệt tại các Tổ bầu cử, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng phục vụ bầu cử. Xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh theo từng tình huống; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc phân chia các Tổ bầu cử đảm bảo hiệu quả nhất. Phương án đảm bảo an toàn trên từng tổ bầu cử, rà soát gắn với phòng chống dịch ở từng khâu, tại từng khu vực bầu cử.

Duy trì chế độ trực, thông tin báo cáo giữa các cấp, các địa bàn

Toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp từ Thành phố đến cơ sở thực hiện chế độ trực 24/24; tổng hợp, báo cáo tình hình ít nhất 3 lần/ngày, đảm bảo thông tin thông suốt giữa các cấp trong mọi tình huống; báo cáo ngay, trực tiếp trong trường hợp đột xuất; sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh theo phương châm 4 tại chỗ.

Khi phát hiện ra ca bệnh mới, ổ dịch mới phải huy động mọi nguồn lực trên địa bàn khẩn trương, thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định nhằm xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh trong thời gian nhanh nhất và ngắn nhất.

Sở Y tế Thường xuyên cập nhật, đánh giá, nhận định dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19; kịp thời bổ sung các phương án đáp ứng các tình huống phòng chống dịch bệnh phục vụ cuộc bầu cử. Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm Tổ bầu cử, đặc biệt trong trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, cách ly tại Bệnh viện, khu vực đang bị phong tỏa theo quy định của Bộ Y tế; sẵn sàng kịch bản trong mọi tình huống phát sinh.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước và sau thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ thành viên của Tổ bầu cử tại điểm bầu cử ở khu vực có nguy cơ: Khu cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa. Tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 sau khi bỏ phiếu cho cử tri có tiếp xúc gần nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc COVID-19 thuộc khu vực điểm bỏ phiếu bầu cử. Xét nghiệm cho phóng viên tham gia đưa tin về cuộc bầu cử theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.

Tiếp tục hỗ trợ các địa phương khác trong công tác phòng chống dịch COVID-19; tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Rà soát, nâng cao năng lực xét nghiệm (lấy mẫu, bảo đảm trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực thực hiện, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tiếp tục siết chặt ngay toàn bộ quy trình sàng lọc, phân loại, phân luồng kiểm soát triệt để người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn phòng chống COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế; bằng mọi giá đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch tại đơn vị.

Các cơ sở điều trị bệnh nhân dương tính rà soát chặt chẽ cơ số giường bệnh, trang thiết bị, trang phục bảo hộ, vật tư tiêu hao để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Công an Thành phố triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tại các khu vực bỏ phiếu để cuộc bầu cử diễn ra an toàn và thành công; chỉ đạo Công an cơ sở phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm phòng chống địch bệnh COVID-19 trên toàn bộ địa bàn, đặc biệt các khu vực công cộng.

Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường kiểm soát nghiêm tại các Khu cách ly tập trung; xử lý nghiêm những đối với trường hợp để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các cơ sở cách ly tập trung và lây nhiễm từ trong Khu cách ly ra bên ngoài cộng đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền tạo không khí phấn khởi trong toàn dân hướng tới Ngày bầu cử; tuyên truyền người dân chấp hành việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đối với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

Yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tập trung tăng cường kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử các cấp và Công điện của Chủ tịch UBND Thành phố ban hành để đảm bảo thành công hoạt động bầu cử các cấp và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn; đặc biệt tại các điểm khai mạc và các điểm bầu cử, các địa điểm công cộng có hiện tượng tập trung đông người; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cử tri và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung, các cơ sở cách ly tập trung tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là quản lý cách ly các đối tượng F1, không để lây nhiễm chéo dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung và lây từ khu cách ly tập trung ra bên ngoài cộng đồng. Kiểm soát các Tổ bầu cử, đặc biệt tại các địa bàn có nguy cơ cao, phối hợp các cơ quan chức năng, rà soát di biến động thường trú và lưu trú trên địa bàn Thành phố có giao thương thường xuyên với các tỉnh lân cận.

Phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội quản lý chặt chẽ những người làm việc tại các Khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang... và các địa phương khác có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhân dân nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Công điện này.

Chú thích ảnh
V.T/báo Tin tức
Ngày 21/5, Việt Nam có 131 người mắc COVID-19 trong cộng đồng; lập phương án bầu cử trong khu cách ly Bệnh viện K
Ngày 21/5, Việt Nam có 131 người mắc COVID-19 trong cộng đồng; lập phương án bầu cử trong khu cách ly Bệnh viện K

Tính từ 18 giờ ngày 20/5 đến 18 giờ ngày 21/5, Việt Nam đã ghi nhận 132 ca mắc COVID-19; trong đó lây nhiễm trong cộng đồng là 131 ca và 1 ca đã được cách ly sau khi nhập cảnh. Các ca mắc mới chủ yếu tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Điện Biên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN