Xây dựng quy trình về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp
Chiều 21/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, cùng với với việc theo dõi chặt chẽ các ổ dịch, quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động, nhất là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang phải quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, không để lan ra các tỉnh. Đồng thời, Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động, nhất là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn. Bộ Y tế phải trực tiếp chỉ đạo Bắc Ninh, Bắc Giang để giải quyết vấn đề này, đưa ra những điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh để doanh nghiệp chấp nhận thực hiện thì đi vào sản xuất ngay.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình mẫu để nếu có dịch ở những nơi tập trung đông người như các khu công nghiệp thì không bị lúng túng khi ứng phó. Trong đó có tình huống F1 quá nhiều phải thí điểm ngay việc cách ly tại nhà bảo đảm an toàn, mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút kinh nghiệm để xem xét mở rộng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch triệt để tại các ổ dịch ở Điện Biên. Các địa phương khác có công nhân trở về từ các khu công nghiệp có dịch phải sẵn sàng, nếu phát hiện phải nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục đổi mới xét nghiệm, không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà ở tất cả các tỉnh; khuyến khích tập huấn, yêu cầu các tỉnh phải kết hợp các loại xét nghiệm, tăng cường công suất bằng cách xét nghiệm mẫu gộp, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả.
Bộ Y tế cần tổ chức tiếp các đội lấy mẫu có kinh nghiệm, sẵn sàng trợ giúp các tỉnh. Bộ Y tế chỉ đạo sớm có hướng dẫn để trong trường hợp cần thiết, như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, công nhân khu công nghiệp có thể tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu, sẵn sàng bỏ kinh phí, mua bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để xét nghiệm sàng lọc cho công nhân với tần suất cao hơn, bảo đảm an toàn cho sản xuất.
Việt Nam thêm ca tử vong mắc COVID-19 thứ 41 có bệnh nền nặng
Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa thông báo về ca tử vong thứ 41 của Việt Nam do bệnh nền nặng và mắc COVID-19 tại Đà Nẵng. Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa thông báo về ca tử vong thứ 41 là BN3653, nữ, 89 tuổi, có tiền sử suy tim, tăng huyết áp và viêm dạ dày mạn tính.
Trước đó, ngày 28/4/2021, bệnh nhân già yếu, được chăm sóc tại nhà, có người nhà là F0 (BN3547) đến thăm. Ngày 8-10/5/2021 bệnh nhân có triệu chứng ho, mệt mỏi. Ngày 11/5/2021, bệnh nhân được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến Trung tâm Y tế Hòa Vang, Đà Nẵng để điều trị. Ngày 17/5/2021, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, nên được chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán khi vào viện là viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng, suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân lão suy, suy tim tăng huyết áp, viêm dạ dày.
Bệnh nhân được các bác sĩ, chuyên gia y tế của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hoà Vang phối hợp cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu liên tục, phối hợp kháng sinh, kháng nấm, chống đông, kháng huyết thanh. Bệnh nhân cũng được các giáo sư đầu ngành Hội chẩn Quốc gia hai lần ngày 17/5 và 19/5, kết luận tiên lượng rất nặng. Ngày 20/5/2021, bệnh nhân diễn biến xấu dần, hôn mê, không đáp ứng điều trị mặc dù đã được bệnh viện cấp cứu hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi, bệnh nhân tử vong đêm 20/5/2021.
Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong do viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng, suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn không hồi phục trên bệnh nhân lão suy, suy tim, tăng huyết áp, viêm dạ dày. Sáng 21/5, Việt Nam cũng đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 thứ 40 tử vong, cũng do bệnh lý nền nặng.
Bắc Giang hướng dẫn người dân tự xét nghiệm nhanh
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, tại các huyện hiện có 106 khu cách ly tập trung, tỉnh có 18 khu, có thể tiếp nhận thêm 6.000 trường hợp nữa. Hiện các khu cách ly tập trung vẫn đang còn khả năng tiếp nhận nhưng chúng ta không chủ quan, mà vẫn có sẵn phương án cách ly tại nhà, xem xét tình huống các trường hợp mà cả gia đình đều là F1.
Phương án cách ly F1 tại nhà đã đề ra từ đợt dịch ở Đà Nẵng trước đó, tuy nhiên thời điểm đó chưa cần thiết áp dụng. Bộ phận thường trực đặc biệt cần lập tức nghiên cứu phương án này, đưa ra bản kế hoạch cụ thể, chi tiết để sẵn sàng cho tình huống cấp bách hiện nay. Đối với việc đưa vào khai thác bệnh viện dã chiến khoảng 600 giường tại Nhà thi đấu Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, cần sớm huấn luyện ngay nguồn nhân lực cho cơ sở này.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị bộ phận phụ trách cơ sở điều trị trước mắt tập trung hoàn thiện nhanh và sẵn sàng hoạt động ở bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu. Các cơ sở dự phòng chưa cần thiết sẽ để nghiên cứu thêm. Đặc biệt, về tình hình xét nghiệm trong các khu cách ly, bộ phận phụ trách xét nghiệm cần xem xét phương án tập huấn cho người dân về tự xét nghiệm nhanh, tại các khu cách ly, khoảng 5 ngày/lần.
Đồng thời yêu cầu thư ký Bộ phận làm công văn yêu cầu các đơn vị xét nghiệm trong 24 giờ phải trả kết quả. Với các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng, trước mắt, các cơ sở Hồi sức tích cực (ICU) làm riêng ở 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Kinh phí dành cho ICU có phương án cam kết để nhà thầu dồn lực thi công sớm.
Hiện nay Bạch Mai có 8 máy thở, máy thận có thể cho mượn, giường bệnh cũng đã sẵn sàng; cùng với một số trang thiết bị sẽ được Bộ Y tế cung cấp, các cơ sở cần tập trung hoàn thành lắp đặt toàn bộ sau 2-3 ngày. Các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bắc Giang đang được tăng tốc hoàn thiện. Tại Bệnh viện dã chiến số 2 Trung đoàn 831 cơ sở 2 tại xã Quế Nhan, huyện Tân Yên, Bắc Giang hiện đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đến để điều trị.
Bệnh viện này hiện có 24 giường ICU (điều trị bệnh nhân nặng); 180 giường bệnh nhân thường với số lượng cán bộ y tế khoảng 124 người. Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang, nơi đang hoàn thiện trung tâm ICU, đại diện bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã chia ra mỗi tổ thành 4 kíp, phụ trách chung là bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 108.
Hiện tại Bệnh viện có 210 giường để phục vụ bệnh nhân và đang lắp đặt thêm 50 giường ICU cho bệnh nhân nặng. Cơ sở xét nghiệm sàng lọc COVID-19 của Học viện Quân y chi viện cho Bắc Giang cũng đã chi viện cho Bắc Giang gồm 100 nhân viên. Công suất thiết kế của đơn vị là 10.000 mẫu/ngày, tương đương 50.000/mẫu xét nghiệm/ngày nếu gộp 5 mẫu. Còn tại Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đặt tại doanh trại Trung đoàn 831, đoàn công tác đã tiếp nhận 9.339 mẫu xét nghiệm của tỉnh Bắc Giang từ ngày 16/5 đến nay. Tại đây đã xét nghiệm xong hơn 7.200 mẫu, phát hiện 20 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, Trung tâm ở Hà Nội và xét nghiệm lưu động ở Bắc Giang đang làm việc ngày đêm để trả các kết quả sớm nhất.
Từ 0 giờ ngày 22/5, TP Hồ Chí Minh tạm dừng các sự kiện tập trung quá 20 người trở lên
Tối 21/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn về việc tiếp tục tạm dừng hoạt động một số dịch vụ để phòng dịch COVID-19. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh yêu cầu tạm dừng lễ hội, nghi lễ tôn giáo, sự kiện tập trung quá 20 người... thời gian áp dụng bắt đầu từ 00 giờ ngày 22/5 đến khi có thông báo mới. Căn cứ tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:
Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở vật lý trị liệu; massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch; rạp chiếu phim, trung tâm - nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường, quán bar, karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga,..); các Trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn Thành phố.
Tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Đối với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện và các công viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chú ý thực hiện giãn cách và hạn chế tập trung đông người.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống: Tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến; người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Các nhà hàng, kể cả nhà hàng trong khách sạn được hoạt động nhưng phải bố trí chỗ ngồi thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người từ 2 mét trở lên, không phục vụ quá 20 người trở lên cùng một lúc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.
Ngoài việc kiểm tra trực tiếp các cơ sở kinh doanh dịch vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện hình thức phạt nguội trên cơ sở hình ảnh thu thập được qua hệ thống camera giám sát trên địa bàn và các nguồn thông tin khác. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến; không tổ chức các cuộc họp tập trung trên 30 người tham dự trong một phòng.
Cấm tụ tập nhiều hơn 20 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện; tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan đơn vị; đối với các cuộc họp, sự kiện: người dự phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau ít nhất 2 mét; hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự li gần; rửa tay hoặc khử khuẩn trước và sau cuộc họp. Tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.
Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra việc tập trung trên 30 người trong mỗi cuộc họp, hội nghị; chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giải tán các điểm có tụ tập đông người không đúng theo qui định. Yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố Hồ Chí Minh phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế.
Riêng đối với hoạt động phục vụ công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, đề nghị thực hiện theo quy định của Ủy ban bầu cử các cấp và Kế hoạch số 1583/KH-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về đảm bảo công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…
Bệnh viện K chuẩn bị cho ngày bầu cử ở nơi cách ly
Do đang cách ly phòng dịch, Bệnh viện K đã lên kế hoạch đảm bảo quyền và nghĩa vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho công dân vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Thay vì đi bầu cử tại các địa phương, những người đang thực hiện cách ly phòng dịch tại 3 cơ sở của Bệnh viện K sẽ thực hiện quyền bầu cử ngay tại bệnh viện.
Bệnh viện K cũng đã lên kế hoạch cụ thể vừa đảm bảo quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch. Hiện tại Bệnh viện K đang khẩn trương chuẩn bị cho công tác bầu cử bên cạnh nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch COVID-19. Việc đảm bảo an toàn cho hơn 2.200 người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ y tế, người lao động đang cách ly tại bệnh viện khi tham gia bầu cử là vô cùng quan trọng.
Đại diện bệnh viện cho biết: Do bệnh viện đang tổ chức cách ly, giãn cách theo từng buồng bệnh, từng khoa, phòng, từng tầng, từng toà nhà trong bệnh viện nên tất cả người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ y tế, người lao động khi tham gia bầu cử đều phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn và đảm bảo đứng giãn cách 3 mét. Bệnh viện cũng tổ chức bỏ phiếu theo từng khoa, trong mỗi khoa lại tổ chức theo từng buồng bệnh, buồng bệnh này bỏ phiếu xong rồi mới đến buồng bệnh khác; những bệnh nhân nặng không đi lại được sẽ bỏ phiếu tại giường bệnh.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị 20 hòm phiếu được dán ni lông, niêm phong, được khử khuẩn thường xuyên. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền bầu cử được bệnh viện tổ chức thường xuyên qua loa phát thanh của bệnh viện, qua trực tuyến, qua email, zalo, viber, phát tài liệu, dán niêm yết danh sách bầu cử đến từng buồng bệnh.
“Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đến thời điểm này đã hoàn tất, thể hiện tinh thần quyết tâm rất lớn, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo 100% người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ y tế, người lao động đang cách ly tại bệnh viện được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình”, đại diện bệnh viện cho biết.
Vaccine COVID-19 AstraZeneca đợt 3 sẽ được phân bổ như thế nào?
Bộ Y tế vừa có danh sách phân bổ vaccine COVID-19 AstraZeneca đợt 3 cho các địa phương, đơn vị; các nơi tổ chức tiêm chủng hoàn thành trước ngày 15/8. Ngày 20/5/2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BYT về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 3. Theo Quyết định này, vaccine COVID-19 AstraZeneca đợt 3 (vacicne do Chương trình COVAX Facility hỗ trợ) cho các địa phương sẽ được phân bổ như sau:
Vaccine được phân bổ cho các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố; lực lượng Quân đội, Công an theo danh sách. Phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, Trường Đại học theo danh sách. Phân bổ cho các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế còn lại qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo danh sách. Bộ Y tế cũng chỉ đao, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển vaccine tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ ngay tới các địa phương. Các đơn vị được phân bổ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay sau khi tiếp nhận theo quy định. Riêng đối với một số các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế sẽ Dự án TCMR cấp phát vaccine cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật nơi đơn vị đó đóng trên địa bàn để tiếp nhận vaccine.
Các đơn vị Viện, Bệnh viện, Trường Đại học tổ chức tiếp nhận số vaccine được phân bổ từ Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia để tổ chức tiêm cho các đơn vị, cơ quan theo Công văn số 3823/BYT-DP ngày 7/5/2021 của Bộ Y tế (bao gồm các Cơ quan trung ương, Bộ ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, Tổ chức quốc tế tại Hà Nội, cơ quan ngoại giao,...) và tiêm cho cán bộ, nhân viên của đơn vị mình (đối với các đơn vị không tự tổ chức tiêm được thì chủ động liên hệ với cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm cho cán bộ, nhân viên đơn vị mình).
Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết vaccine thì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ theo phân công, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được phân bổ cho các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, lực lượng Quân đội, Công an cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ trên địa bàn (bao gồm cả các Cơ quan trung ương, Bộ ngành, Tập đoàn, Tổng công ty, Tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao... trừ Sở Y tế Hà Nội). Các Sở Y tế có các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được phân bổ cho các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế còn lại qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh quy định (trừ Sở Y tế Hà Nội).
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tự tổ chức tiêm chủng được thì chủ động liên hệ, phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn để tiếp nhận vaccine từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và tổ chức tiêm chủng cho đơn vị mình.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động liên hệ với Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trực tiếp nhận vaccine để tiêm, còn việc triển khai tiêm cho Bộ đội Biên phòng, Công an các tỉnh thì trao đổi với Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hỗ trợ, vận chuyển, bảo quản và tiêm vaccine.
Bộ Y tế cũng lưu ý, trường hợp các đơn vị không sử dụng hết vaccine thì phối hợp với Sở Y tế trên địa bàn để điều phối tiêm cho đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ trên địa bàn, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả. Đối với các đối tượng đã tiêm vaccine mũi 1 thì triển khai tiêm mũi 2 sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1.
Các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay khi nhận được vaccine và hoàn thành trước ngày 15/8/2021. Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, khu vực, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng vaccine chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, báo cáo theo từng nguồn vaccine được phân bổ (bao gồm các vaccine đã điều phối giữa các đơn vị, địa phương); thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý.