Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra tình trạng kết cấu công trình xây dựng, tháo dỡ, sửa chữa các hạng mục, kết cấu hư hỏng, mất ổn định. Đặc biệt, đối với các công trình trường học, bệnh viện, chung cư, công trình đông người cần kiểm tra, rà soát tình trạng cửa, lan can, vật treo, neo trên cao, tường vách, mái, hệ thống kỹ thuật điện, cơ điện, hệ thống cấp nước, thoát nước và có các giải pháp khoanh vùng cảnh báo, xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn khai thác sử dụng. Riêng cửa sổ, cửa đi, hệ tường kính, vách kính và hệ bao che bằng kim loại tham khảo các tiêu chuẩn hiện hành.
Đối với những công trình có dấu hiệu mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn do bão gây hư hỏng kết cấu, dàn mái, mặt dựng vách kính… và công trình chung cư cũ, thành phố yêu cầu cần phải được khắc phục và đánh giá đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục khai thác, sử dụng.
Trường hợp chung cũ đã được kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm ở mức độ D khẩn trương thực hiện theo Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.
Cùng với đó, các đơn vị tiến hành dọn dẹp, tháo dỡ các biển quảng cáo, bồn nước mái, mái tôn, mặt dựng, cửa kính bị hư hỏng do bão; khẩn trương kiểm tra tình trạng kết cấu, tháo dỡ ngay các kết cấu hư hỏng, lung lay không chắc chắn hoặc thực hiện sửa chữa và gia cố, giằng, chống đảm bảo an toàn.
Các công trình đang thi công và các máy móc thiết bị phục vụ thi công sau bão cần kiểm tra kiểm tra, rà soát hiện trạng; tháo dỡ, di dời hoặc sửa chữa các công trình, kết cấu, máy thiết bị bị hư hỏng; đánh giá các nguy cơ gây mất an toàn trên công trường trước khi thi công trở lại.
Mặt khác, theo chỉ đạo của thành phố, trong quá trình thực hiện khắc phục hậu quả sau bão, cần đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an toàn lao động khi làm việc trên cao, an toàn điện, an toàn khi thi công, lắp dựng tháo dỡ, phá dỡ các cấu kiện, kết cấu công trình, an toàn cho khu vực lân cận công trình, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động; Kịp thời có phương án khơi thông, tiêu thoát nước và các biện pháp chống ngập úng, đảm bảo cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị; kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước; nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống tiêu thoát nước; khắc phục các công trình hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, cột đèn tín hiệu, biển báo biển chỉ dẫn bị hư hỏng; kiểm tra các khu vực giao thông đô thị, giao thông kết nối có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để cảnh báo, phân luồng, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.
Thành phố cũng yêu cầu rà soát các khu vực có dân cư sinh sống có nguy cơ sạt lở đất (khu vực đồi núi và ven sông, vùng hạ du), thực hiện khoanh vùng, cảnh báo và tổ chức di dời người dân tạm trú tới nơi an toàn. Thành phố huy động tối đa các nguồn lực cùng chung tay dọn dẹp, xử lý các cây gãy đổ và có nguy cơ gãy đổ đảm bảo an toàn giao thông và công trình; phối hợp với các đơn vị quản lý giao thông, điện lực, cấp thoát nước và các hạ tầng khác có liên quan để kịp thời xử lý, sửa chữa lại hạ tầng bị hư hỏng; khắc phục, trồng lại, thay thế cây xanh đô thị đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, lựa chọn các loài cây trồng phù hợp, có khả năng chống chịu gió bão.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các nhiệm vụ trên; báo cáo kết quả về UBND thành phố trong tháng 9/2024.