Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng thành phố không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện nghiêm việc chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương và Bộ Y tế. Tình hình sản xuất, kinh doanh có khởi sắc, song tăng trưởng chưa bứt phá.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao, bằng 107,1% so với cùng kỳ.
Nếu tính cả 11.390 tỷ đồng số thu được gia hạn trong 6 tháng đầu năm theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ thì tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện là 136.244 tỷ đồng, đạt 57,8% dự toán Trung ương giao và 54,2% dự toán thành phố giao, bằng 106,4% so với cùng kỳ.
Mặc dù tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP ước tăng 5,91% - cao hơn 6 tháng đầu năm 2020 (3,39%), nhưng thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (7,21%)...
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời, rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Chỉ số PCI năm 2020 tiếp tục giữ vững vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD (trong đó 171 dự án mới - số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư - số vốn 447,7 triệu USD; 250 lượt góp vốn, mua cổ phần - số vốn 120,5 triệu USD).
Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng, gồm 10 dự án mới với số vốn 1.470 tỷ đồng, 38 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn tăng 5.635 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.582 doanh nghiệp (tăng 33% so với cùng kỳ), 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 15% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687 doanh nghiệp (tăng 74% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 315.248 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được quan tâm đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị được duy trì tốt.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất (sắt, thép, dầu mỏ) có xu hướng tăng là những lực cản cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt 7,5%, nhiệm vụ quý III phải tăng trên 8,5%, quý IV phả tăng trên 9,1% là nhiệm vụ rất khó khăn cho thành phố trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị phấn đấu nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2021. Đặc biệt chú trọng phát triển các lĩnh vực tiềm năng như: công nghiệp chế biến, chế tạo..., tập trung quản lý điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán Thành phố giao, dành ngân sách cho lĩnh vực thiết yếu; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tái cơ cấu do ảnh hưởng của dịch; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Hà Nội đến các tỉnh thành phố; khởi công các cụm công nghiệp theo đúng tiến độ...
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Tư pháp rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất bổ sung ban hành văn bản mới; căn cứ yêu cầu thực tiễn đề xuất chương trình xây dựng văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý phát triển một cách bền vững; đôn đốc theo dõi việc tổ chức thực thi pháp luật trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.