Hà Nội không để người dân bị nhỡ tàu, xe khi về quê đón Tết Âm lịch 2024

TP Hà Nội đang lên kế hoạch tổ chức phương tiện ứng trực; đảm bảo không để người dân nhỡ tàu, xe khi về đón Tết cùng gia đình.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành Chỉ thị số 16 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, với yêu cầu “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố cùng các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Tăng cường kiểm tra giá cước vận tải, giá tàu, vé xe theo quy định, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm; Tập trung rà soát, chỉ đạo duy tu, sửa chữa, khắc phục nhanh các tuyến đường, tuyến phố, đèn tín hiệu giao thông bị hỏng hoặc không đủ điều kiện sử dụng.

Chú thích ảnh
Hà Nội không để người dân bị nhỡ tàu, xe khi về quê đón Tết.

Tăng cường phân luồng, tổ chức giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông; Bảo đảm trật tự, an toàn tại các bến xe, bến tàu, nhà ga và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong dịp Tết. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đỗ, dừng phương tiện không đúng quy định, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chở quá tải, quá số người quy định; Xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, sai phép, thực hiện sai quy định về giá dịch vụ, vi phạm lòng đường, lề đường.

TP Hà Nội dừng cấp phép (đào hè, đường) và dừng thi công từ ngày 16/1/2024 (tức ngày 6 tháng Chạp) đến hết Tết Giáp Thìn 2024, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện hoàn trả hè, đường, đảm bảo thuận lợi giao thông và vệ sinh môi trường trong dịp Tết.

Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có phương án sẵn sàng huy động phương tiện tham gia vận chuyển hành khách, hàng hóa đáp ứng kịp thời, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn việc đi lại của nhân dân trong dịp Tết và vận chuyển hàng hóa đến các vùng xa trung tâm và những nơi khó khăn.

Tổ chức phương tiện ứng trực, hỗ trợ, phục vụ hành khách về đón Tết với gia đình đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo không để người dân nhỡ tàu, xe không kịp về đón Tết cùng gia đình.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phù hợp với phong tục, tập quán dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân và khách du lịch; Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức các lễ hội đúng quy định.

Tổ chức thực hiện trang trí đẹp, văn minh ở những khu vực trung tâm, các tuyến phố chính, khu vực không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và những điểm tổ chức lễ hội, du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán, điều kiện sống của từng địa phương.

Phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động cờ bạc, mê tín dị đoan. Tăng cường tuyên truyền, đấu tranh giảm các “hủ tục”, các hoạt động phi văn hóa, xa hoa, lãng phí trong các lễ hội tự phát.

Chỉ thị số 16 cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, các vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt các vụ việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ hoặc ma túy, chất gây nghiện trên địa bàn mình phụ trách.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương chủ trì triển khai Kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường, giá cả, chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm, các điểm bán hàng bình ổn giá; kiểm soát thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường; kịp thời báo cáo UBND TP để xử lý các vấn đề phát sinh.

Chủ trì, tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Nguyên đán năm 2024; Các chương trình Tuần hàng Việt, Phiên chợ Việt... phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp. Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức chu đáo, an toàn các hội chợ Xuân, chợ hoa Xuân phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thành phố đảm bảo quy định về an toàn phòng chống dịch, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng cháy, chữa cháy.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chú trọng công tác an toàn điện, phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi, lễ hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đảm bảo nguồn lực (bằng nguồn xã hội hóa) để tổ chức bắn pháo hoa theo kế hoạch.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Mức thưởng Tết Âm lịch 2022 bình quân hơn 6,1 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm 2021
Mức thưởng Tết Âm lịch 2022 bình quân hơn 6,1 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm 2021

Ngày 18/1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tình hình lương thưởng Tết năm 2022. Mức thưởng Tết Âm lịch 2022 bình quân hơn 6,1 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN