Ngày 22/11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội phối hợp với Ngân hàng thế giới và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức toạ đàm "Hướng tới hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững".
Tọa đàm là dịp tập hợp các ý kiến, kinh nghiệm của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các nhiệm vụ đã thực hiện của đề án “Xây dựng đề án giao thông thông minh và hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững”.
GS.TS. Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án khẳng định, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính. Hệ thống giao thông thông minh sẽ gồm 4 phần chính: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.
Trong đó, người dùng ITS chính là người dân tham gia giao thông và người quản lý, điều hành giao thông. Người dùng không những là đối tượng thụ hưởng dịch vụ ITS mà còn là chủ thể tham gia, đóng góp thông tin cho ITS. Giao thông thông minh TP Hà Nội sẽ lấy người dân làm trung tâm, ông Lân chia sẻ.
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia tập trung vào một số vấn đề chính như: Tổng quan về hệ thống giao thông thông minh trên thế giới và trong nước; Thực trạng hệ thống quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội; Nhu cầu phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố; Đề xuất khung kiến trúc hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội; Đề xuất cơ chế, chính sách kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị tham gia quản lý, điều hành giao thông vận tải thành phố; Đề xuất các dự án phục vụ phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố.
Trong thời gian qua, Thành phố rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông Thủ đô sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên chất lượng giao thông Hà Nội chưa tương xứng với thực tế. Hiện, Hà Nội có gần 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó, có hơn 1 triệu ô tô; 6,6 triệu xe máy và gần 185.000 xe máy điện, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình của Hà Nội khoảng 4-5%/năm.
Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn ít (đạt khoảng 10,35%). Hạ tầng giao thông chỉ tăng 0.5%/năm, còn phương tiện giao thông tăng 4-5% dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là sau COVID-19.
Theo thống kê từ nhóm xây dựng Đề án, năm 2022 tại Hà Nội có tổng số 35 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đã xử lý được 8/35 điểm. Năm 2023 có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.
Từ những thực tế trên, Giám đốc Sở GTVT mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các nhiệm vụ đã thực hiện của đề án “Xây dựng đề án giao thông thông minh và hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững”.
Tọa đàm cũng nhằm khởi động chương trình hợp tác giữa Ngân hàng thế giới và Hà Nội sau cuộc gặp giữa Giám đốc quốc gia WB và Chủ tịch UBND thành phố vào ngày 25/10 vừa qua và đẩy nhanh việc chuyển đổi xe buýt điện và ứng dụng ITS.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, trước đó trong kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 31/8/2022 UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong Thành phố thông minh.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT Hà Nội đã lựa chọn trường Đại học Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực GTVT là đơn vị tư vấn, xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay, Đề án đã cơ bản hoàn thành các nội dung được giao.