Hà Nội trên đà đổi mới - Bài 2: Phát triển giao thông thông minh là xu thế tất yếu

Trải qua một thời kỳ dài “loay hoay” trong “tấm áo hẹp”, những năm gần đây, giao thông Thủ đô đã có những bứt phá.

Chú thích ảnh
Các tuyến đường giao thông hiện đại phía Nam của Thủ đô. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Bước vào giai đoạn tiến lên xây dựng thành phố thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm mang lại sự tiện ích, thân thiện và an toàn cho người dân trên toàn thành phố, với vai trò đi trước một bước, ngành Giao thông Vận tải Thủ đô đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ của mình là phát triển giao thông thông minh ở Hà Nội.

Xu thế tất yếu

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích lên tới 3.300 km2, với hơn 7 triệu dân sinh sống. Theo đó, những vấn đề về quy hoạch và an sinh xã hội trở thành những thách thức không nhỏ cho Thủ đô. Xây dựng mô hình thành phố thông minh ứng dụng công nghệ mới thời kỳ 4.0 là xu thế tất yếu, trong đó giao thông là một trong những lĩnh vực sẽ được thành phố tập trung triển khai.

Có nhiều định nghĩa về khái niệm giao thông thông minh nhưng có thể hiểu đơn giản hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems - ITS) là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn và hạn chế các tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông.

Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Australia… đã triển khai giao thông thông minh nhưng do còn nhiều hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng, những hệ thống này hoạt động chưa thực sự hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.

Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đang tập trung xây dựng hình hài, nền móng cho thành phố thông minh, trong đó ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo các chuyên gia giao thông, để xây dựng thành phố thông mình ở Hà Nội, trước hết hệ thống giao thông phải thông minh, kết nối phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng đa phương thức (đường bộ, đường sắt…). Hình thành các đầu mối trung chuyển giữa các loại hình giao thông, các khu vực đầu mối trung chuyển này có thể hình thành và phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, để xây dựng hệ thống giao thông thông minh, Hà Nội phải có một quy hoạch giao thông thông minh; cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành diễn biến giao thông trên đường phố, có các thiết bị đo mức độ ô nhiễm từ phương tiện giao thông; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Khởi động để tăng tốc

Chú thích ảnh
Hành khách lên xe buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Hệ thống giao thông thông minh đã bắt đầu được hình thành tại Hà Nội từ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 với hệ thống đèn tín hiệu (năm 1996) và Trung tâm điều khiển giao thông (năm 2000) bằng hệ thống thiết bị của hãng SAGEM điều khiển đèn tín hiệu giao thông do Chính phủ Pháp tài trợ. Có thể nói đây là hạ tầng giao thông thông minh đầu tiên của công nghệ ITS trong khu vực đô thị ở Việt Nam. Đến nay, trung tâm này đã được nâng cấp nhiều lần và vẫn đang hoạt động hiệu quả, góp phần giám sát, điều hành giao thông toàn thành phố.

Bước sang giai đoạn mới hướng tới xây dựng thành phố thông minh trong tương lai, Hà Nội đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh với các ứng dụng tiên tiến, hiện đại nhất. Ngành Giao thông Vận tải Hà Nội được thành phố giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện để tổ chức giao thông thông minh.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến nay, Hà Nội đang triển khai một số thành phần cơ bản của hệ thống Giao thông thông minh. Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Công ty Hệ thống thông tin FPT xây dựng dự toán thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với một số hạng mục; triển khai 2 hạng mục công nghệ thông tin: “Số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng và phương tiện giao thông” và “Xây dựng bản đồ giao thống số trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông”; đã hoàn thành việc lập đề cương dự toán chi tiết, thu thập dữ liệu đối với 362 nút đèn tín hiệu giao thông và 62.172 điểm GPS quanh nút đèn trên địa bàn thành phố, 930 tuyến đường trên địa bàn 12 quận, 1.562 điểm dữ liệu GPS và hình ảnh về hạ tầng vận tải hành khách công cộng (điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối), 1.608 xe buýt (mã tuyến, biển kiểm soát, nhãn hiệu, năm sản xuất, năm sử dụng, sức chứa, thời gian hoạt động, đơn vị quản lý), 320/800 nút giao ngã tư và 5 điểm tiếp cận quanh nút giao (1.600 điểm).

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải phối hợp triển khai dự án thẻ vé do Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA tài trợ; thí điểm triển khai hệ thống vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01; triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động IPARKING. Hiện Sở đã có văn bản báo cáo thành phố chấp thuận chủ trương triển khai chính thức phần mềm GovOne phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn và mở rộng phạm vi ứng dụng đối với lực lượng Thanh tra giao thông.

Sở cũng thí điểm lắp đặt hệ thống camera xử lý vi phạm tại bến xe Giáp Bát, nghiên cứu đề xuất lắp đặt camera hỗ trợ xử lý vi phạm trên xe tuần tra của Thanh tra Giao thông và camera giám sát hỗ trợ công tác quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ IPARKING.

Đồng thời, phối hợp với Siemens thí điểm lắp đặt ứng dụng công nghệ mới cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì và đã trình UBND thành phố đề nghị thành lập đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Giám sát và điều hành giao thông thủ đô Moscow (Nga).

Chú thích ảnh
Triển khai trông giữ xe ứng dụng iParking. Ảnh: XC

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong năm 2019, Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu với thành phố về số hóa cơ sở hạ tầng giao thông, phối hợp với Công ty FPT triển khai bản đồ giao thông số trực tuyến, tăng cường kết nối hệ thống camera giám sát. Sở cũng đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan sớm xây dựng phần mềm quản lý đối với hệ thống GPS trực tuyến của các loại hình xe kinh doanh vận tải, nhằm cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm như: dừng đỗ sai hành trình, đi quá tốc độ, lái quá giờ quy định.

Với những thành phần cơ bản của hệ thống thông minh đang được triển khai, ông Vũ Văn Viện kỳ vọng, hệ thống giao thông thông minh đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao năng lực tổ chức giao thông, quản lý giao thông tốt hơn, xử lý kịp thời các vi phạm, mang tính răn đe cao hơn và xây dựng ý thức tự giác chấp hành an toàn giao thông của người dân.

Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành tổng thể hệ thống, trong đó có các vấn đề về giao thông. Việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh với những bước đi khoa học, bài bản từ lập quy hoạch đến xây dựng các đề án và triển khai đề án theo quy hoạch… hài hòa trong tổng thể bức tranh thành phố thông minh, sẽ tạo nên những mảng sáng cho giao thông Thủ đô, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển trong tương lai.

Bài 3: Thủ đô khởi nghiệp, Hà Nội - Thành phố vì hòa bình

Tuyết Mai - Văn Cảnh (TTXVN)
Hà Nội - Thành phố an toàn, thân thiện - Bài cuối: Đẩy mạnh đối ngoại nhân dân, tăng cường hợp tác quốc tế
Hà Nội - Thành phố an toàn, thân thiện - Bài cuối: Đẩy mạnh đối ngoại nhân dân, tăng cường hợp tác quốc tế

Xác định công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội ngày càng trở thành cầu nối quan trọng, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, mở rộng hợp tác nhiều mặt giữa Hà Nội và các thành phố lớn trên thế giới, qua đó thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN