Xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông là một công trình phức tạp vì các đơn vị vừa tổ chức thi công xây dựng, vừa tổ chức giao thông lại song hành cùng thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Xuân Diệu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ triển khai. Các tuyến này phải tương hỗ nhau về tổ chức giao thông và khớp nối cả tổ chức thi công ở điểm đầu, điểm cuối.
Theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông mới kết thúc thời gian thực hiện. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Nhà thầu cũng đã cam kết khắc phục khó khăn, để quyết tâm thực hiện theo tiến độ rút ngắn.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 815 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 thực hiện được áp dụng một số cơ chế đặc thù là được giao thầu toàn bộ các gói thầu nên việc triển khai thi công nhanh hơn và đáp ứng được tiến độ dự án. Trong triển khai giai đoạn 2 do vướng các vấn đề về giải pháp kỹ thuật nên dự án bị chậm 1,5 năm. Tháng 6/2022, dự án đã bảo đảm các điều kiện khởi công. Đến nay, toàn bộ hệ thống tường chắn đê đã cơ bản hoàn thành, đơn vị thi công đang bắt đầu triển khai việc đào đê và thay thế phần đê đất.
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, vướng mắc chính hiện nay nằm ở việc phối hợp thi công đồng bộ với dự án tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ - Yên Phụ do Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) làm chủ đầu tư (gồm 2.700 m cáp và 5 hầm cáp). Ban Quản lý dự án đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội (đại diện chủ đầu tư dự án) khoảng 1.750/2.700 m trên toàn tuyến và 3/5 vị trí hầm cáp, nhưng đến nay mới thi công xong được khoảng 200 m và 2 hầm cáp, đạt khoảng 12% tiến độ. Tiến độ thi công của nhà thầu thi công tuyến cáp ngầm 110 kV rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án trước 30/6.
Nguyên nhân việc thi công tuyến cáp ngầm 110 KV bị chậm là do mặt bằng được bàn giao vào cuối năm, bên cạnh đó còn gặp bất lợi về thời tiết vì có mưa, vừa thi công vừa bảo đảm giao thông. Để tháo gỡ vướng mắc này, Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội sẽ huy động tối đa nhân lực của nhà thầu triển khai thi công, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, khớp nối tiến độ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nhằm giải quyết các vướng mắc hiện nay.
Trước yêu cầu của UBND thành phố, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Ban Quản lý dự án phát triển điện lực Hà Nội đã cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công. Các đơn vị thi công cuốn chiếu phấn đấu ngày 30/4 hoàn thành hai đường biên và từ tháng 4 đến tháng 6 hoàn thành phần trung tâm của tuyến, thông xe kỹ thuật toàn tuyến trước ngày 30/6 tới.
Đối với đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường Âu Cơ đoạn từ lối vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân với chiều dài tuyến bổ sung khoảng 3,7 km, gồm xây dựng tường chắn bê tông cốt thép bên phải (phía ngoài đê) để thay thế một phần đê đất kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên với quy mô mặt cắt ngang từ 26,5 m đến 31 m (trong đó mặt đường chính rộng từ 16,5 m đến 21 m).
Trước Tết Nguyên đán 2024, với gói thầu số 39 (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Xuân Diệu dài 1.400 m), đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ tường chắn đê bê tông cốt thép; 5/6 cửa khẩu; 1.000/1.000 m tường chắn giao thông trái tuyến; hoàn thành thảm đường dân sinh (đường 5 m) hai bên và thảm thô 1.400 m mặt cắt đường Âu Cơ mở rộng.
Tại gói thầu số 40 (đoạn từ nút giao Xuân Diệu, gần chợ hoa Quảng An, đến nút giao Lạc Long Quân dài 1.600 m), đã hoàn thành 1.580/1.580 m tường chắn đê; hoàn thành 1/2 cửa khẩu; 1.600/1.600 m tường chắn giao thông trái tuyến; thảm 500/3.200 m đường dân sinh, 1.600 m đường mở rộng đến lớp đỉnh K95 đường Âu Cơ mở rộng.
Ngoài ra, nhà thầu cũng đã hoàn thành cơ bản đoạn từ nút giao Lạc Long Quân đến cuối tuyến (42 An Dương Vương).