Chính vì tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp thị sát, kiểm tra hiện trường; thành lập Tổ công tác đặc biệt với đủ thẩm quyền giải quyết tại chỗ những công trình bị vướng mắc. Sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng đã tạo sức bật, động lực mới để xáo xới và khơi thông lại một vấn đề vốn được coi là "điểm nghẽn" nhiều năm nay không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo Kế hoạch, năm 2020, Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư là 40.671,4 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2020, thành phố đã giải ngân được khoảng 50% tổng số vốn được giao. Để đạt mục tiêu đề ra, không chỉ đòi hỏi phải duy trì sự quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ mà còn cần đến những cách làm phù hợp và một cơ chế thông thoáng để "gỡ vướng, đẩy tiến độ", nhất là các dự án đang có nguy cơ "trễ hẹn" thời điểm "về bến".
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để phấn đấu hoàn thành "mục tiêu kép" vừa tăng trưởng kinh tế, vừa phòng, chống dịch bệnh, Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài của thành phố Hà Nội. Tổ trưởng từng tổ công tác là các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội được phân công, còn tổ phó là lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội. Các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Tổ công tác đặc trách để chỉ đạo rà soát, đánh giá nguồn thu, cơ chế chi, nội dung chi ngân sách năm 2020; rà soát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của từng dự án.
Các tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài thuộc ngân sách thành phố Hà Nội (bao gồm cả nguồn vốn ODA) và ngân sách cấp huyện theo địa bàn được phân công. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, đôn đốc thu ngân sách kế hoạch năm 2020; khai thác các nguồn thu, tránh thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố theo kết luận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội....
Không chỉ có vậy, UBND thành phố còn tổ chức các hội nghị giao ban với Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các chủ đầu tư dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phối hợp với một số bộ, ngành trung ương để kiến nghị những chính sách, cơ chế đặc thù "cởi trói" cho Hà Nội trong các khâu từ phê duyệt, triển khai, thanh quyết toán công trình, dự án.
Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 9 đến nay, Hà Nội đã khánh thành, đưa vào sử dụng một số công trình, dự án quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân như nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), đường dưới thấp qua hồ Linh Đàm... Kết quả trên dù đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn một khoảng cách so với yêu cầu thực tế. Một số đầu mối, dự án có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này thấp, gây ảnh hưởng đến kết quả chung, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Đơn cử, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư và liên quan đến việc quy hoạch ga ngầm C9; Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) còn vướng mắc về giá trị phát sinh hợp đồng tư vấn do phải thực hiện thủ tục đấu thầu lại gói thầu số 3 là hệ thống cống bao sông Lừ...
Gỡ ách tắc giải phóng mặt bằng
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đến nay, các dự án khối nông nghiệp, công thương giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt khoảng 53% kế hoạch vốn giao, tuy cao hơn mức giải ngân trung bình toàn thành phố, nhưng tiến độ vẫn chậm, thấp hơn so với yêu cầu, nguyên nhân chính do giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Trước tình hình đó, lãnh đạo thành phố có chỉ đạo cụ thể đối với các dự án còn đang "vướng mắc" để các địa phương có phương ấn triển khai nhanh chóng, kịp thời.
Theo ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông, giải phóng mặt bằng chậm cũng luôn là trở ngại lớn đối với việc giải ngân tại các dự án, như Dự án xử lý nước thải Cụm công nghiệp Biên Giang (quận Hà Đông) hay Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây - Trạm bơm Yên Nghĩa...
Xử lý ách tắc này, đối với dự án xây dựng hệ thống nước thải tập trung Cụm Công nghiệp Biên Giang, quận Hà Đông, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất giải phóng mặt bằng theo quy định; tập trung hoàn thành dự án trong năm 2020 theo đúng tiến độ phê duyệt.
Đối với dự án trọng điểm Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa), thành phố yêu cầu 1 Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch, xác định các mốc thời gian cụ thế tổ chức triển khai hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ quy định.
Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và đơn vị liên quan khấn trương báo cáo, tham mưu UBND Thành phố các nội dung liên quan giá đất cụ thế phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND quận Hà Đông, Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện; bố trí đủ kinh phí giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng ngầm, nổi trong phạm vi thu hồi đất giải phóng mặt bằng dự án; hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đối với nhóm các dự án công trình trọng điểm khác như: Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội; Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội; Dự án Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích cổ Loa; Dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội....
Thông thường, cuối năm là thời điểm các dự án sẽ tăng tốc thi công vì mọi thủ tục đã hoàn thiện. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, phải dồn lực cho việc hoàn thành khối lượng công việc. Còn ban quản lý các dự án cần bám sát thực tế để kịp thời hoàn tất thủ tục và giải ngân vốn song song với khối lượng công việc đã thi công.
Một điều vẫn cần nhắc thêm, đó là tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ đầu tư…, đặc biệt với người đứng đầu, phải chủ động đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những dự án bị chậm tiến độ không có lý do chính đáng thì những chủ thể liên quan phải chịu hình thức kỷ luật để bảo đảm yêu cầu rõ việc, rõ người.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan phải tăng cường phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh, tăng cường kiểm tra, giám sát để nắm tiến độ. Nên niêm yết công khai tỷ lệ giải ngân của từng dự án, từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án gắn với mốc thời gian phải hoàn thành, từ đó, kịp thời chấn chỉnh, có phương án đẩy nhanh tiến độ với từng đơn vị được giao nhiệm vụ.
Dịch bệnh, thiên tai là những từ khóa chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Trong bối cảnh đó, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công được coi là một lối đi "cứu cánh" cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và quan trọng nhất là dịp đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các địa phương; đặc biệt là Hà Nội, góp phần tạo đà mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển trong trung và dài hạn.